Hàng quán, phòng gym ở TP.HCM vừa được lệnh đóng cửa từ hôm qua, bài học của Trung Quốc có thể giúp họ tìm ra cách kiếm tiền
Nhiều quán bar, nhà hàng ở Trung Quốc vẫn kiếm được tiền dù bị buộc phải đóng cửa trong suốt những ngày đen tối nhất của dịch Covid-19.
- 24-03-2020Lời phân bua khó chấp nhận của quán bar có khách nhiễm Covid-19, mở cửa bất chấp lệnh cấm
- 24-03-2020Hợp đồng đóng băng, dừng hoạt động bán hàng… Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trước dịch COVID-19
- 24-03-2020Công ty 4 Oranges ủng hộ 10 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19
Ngày 24-3, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi các sở, ngành và 24 quận, huyện về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn TP nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch Covid-19
Theo đó, tạm dừng mọi hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP HCM kể từ 18 giờ ngày 24/3 đến hết ngày 31/3.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, biện pháp chống dịch mạnh tay của TP HCM thực tế không phải là mới hay hy hữu. Rất nhiều quốc gia hiện đã áp dụng quy định mạnh tay này, và nơi áp dụng đầu tiên không đâu khác chính là Trung Quốc.
Từ 2 tháng trước, trong những ngày đen tối nhất của dịch bệnh, Trung Quốc cũng đã ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà hàng, quán ăn, hoạt động vui chơi giải trí tại tâm dịch Hồ Bắc. Các khu vực ngoài Hồ Bắc dù không có lệnh đóng cửa nhưng nhiều nhà hàng quán ăn cũng buộc phải đóng cửa do quá ế ẩm và không thể trang trải hết chi phí nhân công và thuê địa điểm.
Trong cái khó, nhiều chủ nhà hàng đã nghĩ ra những cách thông minh để có thể vẫn kiếm được tiền. Có một điểm mấu chốt, không thể thay đổi ở đây là: Dịch bệnh thế nào thì mọi người vẫn cần phải ăn và có nhu cầu giải trí.
Hiểu được điều đó, Yum China Holdings – công ty mẹ của 2 chuỗi đồ ăn nhanh KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc đã ngay lập tức tiến hành thử nghiệm những mảng mới như dịch vụ chăm sóc và giao đồ sơ chế để khách hàng có thể nấu ăn tại nhà nhằm tăng doanh thu.
Một tháng trước - tức là lúc cao điểm dịch bệnh ở đây, công ty điều hành chuỗi đồ ăn nhanh này bắt đầu điều chỉnh thực đơn cho các khách hàng doanh nghiệp. Theo đó họ cho phép khách hàng đặt đồ ăn qua ứng dụng KFC trên điện thoại di động đã được thiết kế theo ngân sách của họ. Trong khi đó, Pizza Hut giao bò bít tết tươi cùng với công thức miêu tả chi tiết cả số phút nấu để khách hàng có thể nấu ăn tại nhà.
Tất nhiên hoạt động giao hàng là "không tiếp xúc": Tài xế giao hàng để lại đồ ăn ngoài cửa và đứng cách xa 2m để xác nhận khách đã lấy đồ.
Theo CEO Joey Wat, lượng đơn hàng đang hồi phục trở lại nhưng vẫn cần thời gian. Với những thách thức và cơ hội hiện có, CEO Wat đánh giá đây cũng là thời cơ để Yum thúc đẩy mạnh mảng kinh doanh mới.
Với quán bar One Third nổi tiếng bậc nhất ở Bắc Kinh, họ cũng sáng tạo ra cách kiếm tiền hết sức mới mẻ. Trong suốt những tuần phải đóng cửa vì dịch bệnh, One Third đều đặn hàng đêm livestream cảnh 2 DJ chơi những bản nhạc sôi động. Những buổi phát trực tuyến kéo dài 5 giờ như vậy thu hút một lượng lớn người xem và thậm chí những người này đã để lại cho câu lạc bộ 2 triệu NDT (285.000 USD) tiền boa thông qua nền tảng video ngắn Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok.
Sáng kiến mới thành công đến mức Maggie Liu – chủ sở hữu của One Third nói rằng mô hình "CLB livestream" nên được đầu tư, xây dựng cơ sở khách hàng riêng nhằm tạo ra nguồn doanh thu thay thế khi club này mở cửa trở lại.
Cùng cảnh bị buộc đóng cửa, Super Monkey – một phòng tập gym ở Trung Quốc với 115 địa điểm thì nói rằng số lượng người dùng hoạt động trực tuyến đã tăng tới 280.000 trong lớp dạy trực tuyến. Chuỗi đối thủ là Shape Fitness cũng bắt đầu dạy online các bài tập sau khi dịch bùng phát. "Nó giúp chúng tôi duy trì sự trung thành của khách hàng – họ hiện không có chỗ nào để đi tập và nó cũng tốt cho chúng tôi để thu hút những người dùng mới trong một giai đoạn đặc biệt như thế này".
Nhìn chung với những câu lạc bộ đêm, phòng gym, nhà hàng và những doanh nghiệp tiêu dùng khác phụ thuộc vào tương tác vật lý, họ vẫn buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn giữa mùa dịch dù là kiếm được thêm một chút tiền hay chỉ cố duy trì lòng trung thành của khách hàng.
Nhịp sống kinh tế