MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Tết: Không sợ thiếu, chỉ sợ… giá

Còn chưa đầy 3 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hiện các mặt hàng Tết đã được bày bán tràn ngập các siêu thị, cửa hàng… Tuy nhiên, thời điểm này sức mua còn hạn chế, người tiêu dùng thì quan tâm đến… giá. Cận tết, hàng hóa có tăng?

Hàng Tết: Không sợ thiếu, chỉ sợ… giá - Ảnh 1.

Hàng Tết được bày bán tại siêu thị Go!BigC. Ảnh: Ngọc Hà.

Hàng nhiều, người mua sắm ít

Khảo sát tại Hà Nội, hiện hệ thống các siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống đã bày bán hàng Tết. Tại siêu thị Go! Big C, khu vực bày bán hàng Tết được trang trí bắt mắt, với đầy đủ các loại bánh kéo, túi quà tết các loại.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị Win Mark cũng bày rất nhiều loại hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong đợt mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng người mua chưa nhiều. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên hạn chế mua sắm.

Chị Bùi Thanh Hà (16 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) chia sẻ, do thu nhập năm nay của chị và chồng đều giảm nên việc mua sắm cuối năm cũng sẽ được cân nhắc kỹ. “Thời điểm này đã nhộn nhịp không khí Tết, nhất là đi chợ thấy măng, miến và các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết thì tâm lý cũng rộn ràng. Nhưng tôi vẫn chưa mua sắm gì vì để cận Tết mua sắm một thể, cũng nhanh thôi”, chị Thanh Hà nói.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng năm nay. Một số người cho rằng, bánh chưng đã ăn quanh năm, bánh kẹo bây giờ cũng quá nhiều, trẻ con cũng không còn háo hức như trước. Nên cũng không nhất thiết phải sắm Tết từ quá sớm.

Từ phía các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịp Tết sắp tới dự báo sức mua sẽ tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20-25% so với ngày thường. Những ngày này, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, bánh kẹo… ở khu vực phía Nam đang tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao.

Đại diện Công ty TNHH Sơn Hải - một doanh nghiệp chuyên sản xuất kẹo đậu phộng, kẹo bơ hạt điều… trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ, hiện sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây và thị trường TPHCM, Đồng Nai, Khánh Hòa… So với năm ngoái, đơn hàng năm nay có phần sụt giảm hơn nhưng vẫn tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Còn tại Hà Nội, các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng Tết phong phú. Trong đó, mặt hàng bánh mứt kẹo dự kiến sức mua sẽ tăng mạnh. Bà Chu Thị Thu Anh - Phụ trách khối kinh doanh cửa hàng, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, cho biết: "Theo dự kiến của chúng tôi, khoảng thời gian cao điểm sẽ là từ ngày 22 tháng Chạp, với đỉnh điểm mua sắm là từ ngày 24 cho tới ngày 30 Tết".

Nỗ lực đảm bảo về giá

Các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm có thể khẳng định là rất đa dạng, phong phú, và không lo thiếu. Bên cạnh các mặt hàng khô, thì các mặt hàng tươi như thịt, cá… cũng đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng. Vấn đề mà nhiều người băn khoăn, là liệu cận Tết, giá cả có tăng? Chị Nguyễn Hằng Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, phải đợi công ty chi tiền lương và thưởng mới có thể đi mua sắm. “Vấn đề tôi quan tâm là liệu sát Tết hàng hóa có tăng hay không?”, chị Nga bày tỏ.

Không ít người như chị Nga, phải chờ cơ quan, doanh nghiệp chi tiền lương thưởng cuối năm mới đi mua sắm các hàng hóa cần thiết cho gia đình đón Tết vui xuân. Theo Bộ Công Thương, sức mua hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá. Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trong đó, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy mặt hàng. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết. "Sự chuẩn bị đồng bộ của các đơn vị nhằm bảo đảm giá cả hợp lý, không có những biến động lớn. Bộ Công Thương cũng phối hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và những địa phương khác để có được nguồn cung hàng hóa rẻ hơn so với thị trường 5-10%", bà Nga cho hay.

Với dự báo người tiêu dùng sẽ không thoải mái mua sắm như những năm trước nên nhiều siêu thị đã chạy các chương trình khuyến mãi. Siêu thị BRG Mart Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) treo biển “Hàng tết mua 1 tặng 1”, “Không lo về giá”.

Tương tự, các thương hiệu bán lẻ lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, GO! BigC, Tops Market, Emart, Lotte Mart, Aeon… cũng chạy các chương trình khuyến mãi hấp dẫn lên đến 50% cho hàng ngàn mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết. Các siêu thị thuộc Saigon Co.op đang áp dụng khuyến mãi cho 2.000 mặt hàng từ nay đến ngày 24/1. Trong đó, với chương trình “Tươi ngon chất lượng cho món Tết Việt”, các điểm bán thuộc Saigon Co.op luân phiên giảm giá từ 10 - 20% cho các sản phẩm thực phẩm tươi sống gồm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây... Hay với chương trình “Ngát hương xuân - Bếp sáng nhà xinh”, sẽ giảm mạnh từ 25-50% cho các sản phẩm bài trí tết…

Hiện hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN trên toàn quốc thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ WinCommerce đang liên tục triển khai các chương trình “giá tốt”, mang sản phẩm chất lượng với giá thành phải chăng tới người tiêu dùng. Chương trình ưu đãi hiện đang góp phần thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày tới mua sắm tại chuỗi bán lẻ. Trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng sẽ có cơ hội mua sắm giảm giá lên đến 50%; mua 2 tặng 1...

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất và các nhà bán lẻ vẫn đang phối hợp triển khai các kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết với mặt bằng giá cả phù hợp nhu cầu người dân. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ không thiếu các mặt hàng thiết yếu dịp Tết. Bộ cũng sẽ có những đoàn kiểm tra liên ngành xuyên suốt để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, giá cả hàng hoá thực tế và đăng ký, đảm bảo bình ổn thị thường.

Cảnh giác với hàng giả, hàng kém chất lượng
Cuối năm giáp Tết là thời điểm nhiều người tiêu dùng mua sắm, đây cũng là thời điểm mà hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sản xuất được trà trộn vào chuỗi cung ứng. Do đó, giới chuyên gia lưu ý, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý, cảnh giác. Nên mua sắm ở những hệ thống siêu thị, cửa hàng, hay những địa chỉ uy tín, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường nhiều địa phương đã liên tiếp phát hiện và thu giữ các sản phẩm bánh kẹo, mứt tết… không rõ nguồn gốc. Ngày 15/1, Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh T.L.K. tại địa chỉ tại tổ 45, khu vực 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua kiểm tra, phát hiện số lượng lớn hàng hóa, gồm 11.480 sản phẩm bánh ngọt các loại, được chứa đựng trong 200 thùng carton do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đội Quản lý thị trường số 5 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm cuối năm và gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo sẽ là khoảng thời gian tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi. Chính vì vậy, nhiều thương lái bất chấp lợi nhuận, buôn lậu, nhằm tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Cùng đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng bất chấp lợi nhuận để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, các mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nhiều vào thời điểm này là hàng thiết yếu như: Dầu ăn, bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, dược phẩm… Ngoài ra, còn có các loại mặt hàng khác nguy hiểm như: Chất gây nổ, pháo, chất kích thích, ma tuý…
N.Linh

Theo Bảo Phương

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên