Hàng tỉ euro của người Anh bị mắc kẹt trong 1 ngân hàng của EU vì Brexit
Alexander Stubb, phó chủ tịch của ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), nơi mà nước Anh đang nắm 16% cổ phần, cho biết quốc gia này sẽ không được thanh toán đầy đủ cho mãi tới năm 2054.
- 21-10-2017Xôn xao bức ảnh đơn độc của thủ tướng Anh tại đàm phán Brexit
- 17-10-2017Brexit “cứng” có thể khiến người Anh nghèo đi
- 19-07-2017Chưa Brexit, kinh tế Anh đã lao đao
“Hàng tỉ euro của người dân Anh có thể bị kẹt ở một ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU) thêm hơn 30 năm nữa sau Brexit”, đó là thông điệp cảnh báo mới nhất dành cho quốc gia này.
Alexander Stubb, phó chủ tịch của ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), nơi mà nước Anh đang nắm 16% cổ phần, cho biết quốc gia này sẽ không được thanh toán đầy đủ cho mãi tới năm 2054.
Ông mô tả Brexit là “trò hề”, nhưng phủ nhận động thái này là một sự trừng phạt.
“EIB đã tạo đòn bẩy cho nền kinh tế Anh gấp nhiều, nhiều lần trong suốt mấy chục năm qua”, Stubb nói với chương trình BBC Radio 4's Today.
Nước Anh hiện có 3,5 tỉ euro (khoảng 3,1 tỉ bảng) tiền vốn tại ngân hàng này và báo cáo của Thượng viện Anh cho biết khoản đầu tư của Anh có thể trị giá lên đến 10,1 tỉ euro (8,9 tỉ bảng), nếu tính cả dự trữ và lợi nhuận.
Được thành lập vào năm 1958, EIB hiện sử dụng nguồn vốn được cung cấp bởi những quốc gia trong EU để cho vay với lãi suất thấp, và thường là dành cho các dự án về cơ sở hạ tầng.
Tất cả 28 quốc gia thành viên trong EU đều là cổ đông của ngân hàng đang được đặt trụ sở tại Luxembourg này, trong đó Anh đang nắm phần lớn nhất cùng với Đức, Pháp và Italy.
Ông Stubb, người từng nắm giữ vị trí Thủ tướng của Phần Lan, nói với BBC rằng số tiền của Anh có thể bị kẹt lại vài thập kỷ nữa sau khi quốc gia này rời khỏi EU trong năm 2019.
“Mọi người ở cả hai phía đều đồng ý rằng chúng tôi phải trả lại 3,5 tỉ euro, cơ bản là bằng tiền mặt, và điều đó sẽ xảy ra trong một thời gian dài, mãi cho đến năm 2054 mới chấm dứt, vì đó là thời điểm mà các khoản vay mới được trả dần”.
“Trò hề”
Ông khẳng định rằng không ai trong ngân hàng này muốn “trừng phạt” nước Anh vì chuyện họ rời khỏi EU cả và thật sự là muốn làm dịu nỗi đau của Brexit.
“Tôi là người Anh 100%, tôi kết hôn với một phụ nữ Anh, các con tôi đều mang 2 quốc tịch và tôi nghĩ Brexit là một trong những ‘trò hề’ lớn nhất mà chúng ta được thấy trong kỉ nguyên hiện đại này”, ông nói.
“Vì thế, tôi sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để xoa dịu nỗi đau ấy, nhưng những số liệu kinh tế cho thấy rằng không có người chiến thắng trong sự kiện Brexit – ngoại trừ có lẽ là một số ít luật sư. Không may là, chúng ta sẽ phải chứng kiến điều này trong những năm tới”.
Nếu việc phê duyệt các khoản vay mới bị hoãn lại trong khi Anh vẫn còn là một phần của EU, thì số lượng nhà ở xã hội được xây dựng có thể sẽ giảm xuống. Hiệp hội nhà ở Stonewater cũng lên tiếng rằng họ có thể xây dựng ít hơn khoảng 300 căn nhà vì đơn xin vay 100 triệu bảng của họ để lấy vốn cho các bất động sản mới đã bị tạm ngưng.