MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị "móc túi" nhiều tỷ, vẫn tặc lưỡi cho qua

06-12-2013 - 07:51 AM |

Một chai nước mắm 500ml (giá 20.000 đồng), chỉ cần bớt 25ml là người tiêu dùng mất khoảng 1.000 đồng. Nếu mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất 3 triệu lít nước mắm, tính ra, người tiêu dùng bị doanh nghiệp “móc túi” 3 tỷ đồng.

Đừng tưởng vào siêu thị là an tâm

Trung bình mỗi tháng, gia đình chị Nguyễn Thị Loan (38 tuổi, ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) dùng hết khoảng 500ml nước mắm. Để không phải lo về chất lượng sản phẩm, chị hay vào siêu thị mua mặt hàng này, cũng như luôn nhắm đến những thương hiệu có tiếng, được quảng cáo rầm rộ. Chị tin rằng, bỏ chút công vào siêu thị, nhưng bù lại sẽ yên tâm về sản phẩm. 

Suy nghĩ và tâm lý này không phải của riêng chị Loan mà có sẵn trong đầu nhiều bà nội trợ khác. Họ tìm đến các sản phẩm đóng gói, có mã xuất xứ, tên, địa chỉ nhà sản xuất, hạn sử dụng... Tuy nhiên, nhiều chị em tỏ ra bất ngờ trước thông tin hiện nay trên thị trường, trung bình cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì. 

Thực tế, số lượng bị hao hụt không nhiều, khó phát hiện và thậm chí nếu có biết thì nhiều người cũng nghĩ rằng, nó chẳng đáng là bao nên đều tặc lưỡi cho qua. Thế nhưng, nếu làm một phép tính thì mới thấy, lợi nhuận của các nhà sản xuất không hề nhỏ.

Với việc bớt xén từ 5% - 10% khối lượng từng mặt hàng, chẳng hạn như một chai mước mắm 500ml (có giá 20.000 đồng), hao hụt 5%, tức là người tiêu dùng mất không 1.000 đồng. Nếu mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất ra 3 triệu lít nước mắm, tính ra, người tiêu dùng bị doanh nghiệp “móc túi” 3 tỷ đồng. 

Cách đây hơn 1 năm, tháng 11/2012, khi tham dự Hội nghị năng suất chất lượng với chủ đề “Quản lý đo lường hàng đóng gói sẵn” (do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức), ông Nguyễn Minh Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tỉnh An Giang đưa ra thông tin, có 47% hàng đóng gói sẵn thiếu trọng lượng. 

Theo ông Chiến, kết quả này do Chi cục TCĐLCL An Giang ghi nhận từ hai đợt kiểm tra các siêu thị, cửa hàng, nhà máy sản xuất với các mặt hàng: Trà, cà phê, mì ăn liền, thực phẩm khô, thủy sản đông lạnh… trên địa bàn tỉnh này trong năm 2011 và 2012.

“Có gói hàng trọng lượng ghi trên bao bì là 500gr nhưng khi kiểm tra phát hiện chỉ có hơn 300gr; chai nước mắm thể tích ghi trên vỏ chai là 500ml nhưng kết quả kiểm tra chỉ có 450ml... Theo chúng tôi tính toán, khi người tiêu dùng bỏ ra 1.000 đồng mua hàng đóng sẵn đã bị đơn vị sản xuất, kinh doanh ăn gian từ 110 - 290 đồng”, ông Chiến cho biết.

Biết cũng tặc lưỡi cho qua 

Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Văn phòng Luật sư Đăng Quang và Cộng sự) cho rằng, vấn đề này rất khó xử lý. Bởi để kiện nhà sản xuất hay nhà phân phối, phải có căn cứ, đưa ra được chứng lý và theo trình tự. Trước tiên phải xem xét, anh mua mặt hàng đó ở đâu, có đúng của nhà sản xuất đó không hay là hàng nhái, hàng giả. Tức là phải chứng minh sản phẩm đó là của họ chứ không phải của ai khác. Tiếp đến là phải đưa ra bằng chứng về việc họ bớt, xén và chính cái này mới rắc rối. 

“Anh lấy gì để cân, đong, đo, đếm (tức là yếu tố tham chiếu) để khẳng định mình đúng và nhà sản xuất sai (bớt, xén), chắc gì dụng cụ mình đưa ra đã chuẩn mà phải có cơ quan chức năng chứ. Và cuối cùng, chỉ vì một lý do rất nhỏ, không đáng để bỏ công sức theo đuổi kiện cáo, thậm chí còn bị những người xung quanh xem là gàn dở, ai lại đi kiện vì 0,5ml nước mắm bao giờ, mang tiếng chết. Thế là, nhiều người có biết cũng tặc lưỡi cho qua”, luật sư Quang nói.

Chiều 5/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: trong lĩnh vực đo lường (chúng ta quen gọi là “cân, đong, đo, đếm) đối với hàng đóng gói sẵn, hành vi bớt xén đã xảy ra từ lâu và là một hiện tượng khá phổ biến. Tuy nhiên, do người tiêu dùng không để ý hoặc có phát hiện nhưng thấy thiệt hại không lớn nên thường bỏ qua. 

“Hành vi bớt xén, nói cho cùng là “móc túi” người tiêu dùng. Việc “móc túi” này không hề nhỏ mà là số lượng lớn. Đối với một người, 1 lần mua có thể thiệt hại không nhiều, nhưng mua cả năm, mua nhiều mặt hàng, rồi người thân cũng mua, thì thiệt hại cho gia đình mình không hề nhỏ. Đặc biệt, đối với hàng chục triệu người tiêu dùng, thì số thiệt hại sẽ rất lớn. Còn phía người sản xuất, kinh doanh, không chỉ bán cho một người mà bán cho nhiều người, nếu đóng gói thiếu thì lượng bớt xén của khách hàng là rất lớn”, ông Hùng phân tích. 

Cũng theo ông Hùng, đây không chỉ là hành vi gian lận, phi đạo đức trong kinh doanh, đáng lên án, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. 

Chiều 5/12, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đăng Huyền - Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, đơn vị đang kiểm chứng độ chính xác của thông tin cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì. Theo ông Huyền, việc lấy mẫu không đơn giản mà phải chặt chẽ theo một quy trình và càng không thể có chuyện chỉ lấy một vài mẫu mà kết luận cả lô hàng được. 

Theo Minh Thành

(Xem thêm: Hàng đóng gói sẵn bị 'rút ruột', 'thượng đế' tiếp tục bị móc túi)

khanhnt

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên