Cần giảm giá bán than cho ngành phân bón
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị giảm ít nhất 10% giá bán than cho các đơn vị sản xuất phân bón trong nước.
Nguyên nhân là do thuế xuất khẩu than và giá than thế giới đều đã giảm mạnh.
Cần chia sẻ khó khăn với nhà nông
Theo phân tích của các công ty, nhà máy sản xuất phân bón thì việc định giá bán than trong nước của Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) dựa vào hai yếu tố cơ bản: Thứ nhất là chỉ số đánh thuế xuất khẩu than của Nhà nước. Thứ hai là sự dao động của giá than thế giới. Nếu một trong hai yếu tố đó thay đổi thì giá bán than cũng thay đổi tương ứng. Và thực tế trong năm 2013, hai yếu tố trên đã giảm khá mạnh. Nhưng bước sang năm 2014, Vinacomin vẫn chưa giảm giá bán than trong nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng Kinh tế, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho rằng: “Giá than thế giới trong năm 2013 trở lại đây đã giảm từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm tùy chủng loại. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu than được thuận lợi trong năm 2013 Nhà nước đã giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 10%.
Nhưng giá bán than của Vinacomin cho tất cả các “hộ” sản xuất phân bón như Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Phân lân Ninh Bình, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc... vẫn giữ nguyên trong năm 2013.
Sang năm 2014, khi giá nông sản giảm, giá phân bón giảm, Nhà nước tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu than là 10%, vậy nhưng Vinacomin vẫn chưa hề có động thái giảm giá bán. Chúng tôi cho rằng, Vinacomin cần phải giảm giá bán than để chia sẻ những khó khăn với các đơn vị sản xuất phân bón, cũng là chia sẻ khó khăn với nông dân nói chung. Chúng tôi đề nghị Vinacomin giảm tối thiểu 10% giá bán than.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thiệu – Phó Tổng Giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng cho rằng: “Trong thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất phân bón đang gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể giá một số nguyên vật liệu như điện, xăng dầu không ngừng tăng cao, giá bán phân bón trên thế giới liên tục giảm mạnh.
Một trong những nguyên nhân chính là do giá than thế giới giảm khiến cho giá phân bón trong nước giảm theo (giá bán trung bình năm 2013 của DAP giảm 17%, của urê giảm 10% so với giá bán trung bình năm 2012), sản lượng tiêu thụ giảm đáng kể, lượng tồn kho tăng cao do sự cạnh tranh ngày càng mạnh của phân bón nhập khẩu với giá giảm sâu và lượng nhập tăng mạnh. Sự biến động giảm giá về giá phân bón nêu trên làm ảnh hưởng rất lớn đến hạch toán sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
VINACHEM đề nghị giảm 10% giá than
Cũng chính từ thực tế này, ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nêu ý kiến: “Nếu Vinacomin điều chỉnh giá bán than, giá thành sản xuất phân bón sẽ giảm đi. Có như vậy, chúng tôi mới có thể giảm giá bán phân bón cho bà con nông dân, qua đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Hàng nông sản giờ rất rẻ, nếu giá phân bón cao, nông dân sẽ không mua. Chúng tôi hy vọng các bộ ban ngành, cùng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) xem xét đề nghị hạ giá than”.
Từ thực tế khó khăn trên của các công ty, nhà máy sản xuất phân bón, VINACHEM đã có Công văn số 20 (ký ngày 7.1.2014) gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm giá bán than cho sản xuất phân bón. VINACHEM đề nghị Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xem xét điều chỉnh giảm ít nhất 10% giá bán than cho các đơn vị sản xuất phân bón.
Thời điểm áp dụng giá bán được đề xuất điều chỉnh từ ngày 1.1.2014. Bởi theo ông Nguyễn Gia Tường – Phó Tổng Giám đốc VINACHEM: “Giá than bán cho các hộ sản xuất phân bón cần phải được điều chỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho các đơn vị sản xuất phân bón, góp phần hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước, đẩy mạnh cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tiêu thụ than trong nước, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cùng phát triển”.
Theo Đình Thắng