MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện đơn giản mà khó làm thế!

26-11-2013 - 08:31 AM |

Dường như những người có trách nhiệm không phải mua vé xe tết bao giờ nên các nhà xe vẫn ung dung sai phạm, bỏ túi những khoản lợi nhuận lớn từ việc móc túi khách hàng một cách… “hợp lệ”.

Được ăn cả, ngã... huề cả làng

Ba năm trở lại đây, mỗi dịp bán vé tết bến xe Miền Đông đều phát hiện không ít doanh nghiệp tăng giá vé tết vượt quá 60%, trong khi thông tư liên bộ Tài chính – Giao thông vận tải (GTVT) và tổng cục Thuế quy định giá vé xe tết chỉ được tăng tối đa 60% so với ngày thường.

Có lẽ năm 2010 là năm mà lãnh đạo bến xe Miền Đông (BXMĐ) tỏ ra quyết liệt nhất trong việc kiểm tra việc thực hiện thông tư trên. Chỉ sau vài ngày, BXMĐ đã phát hiện và tạm đình chỉ việc bán vé xe tết của công ty cổ phần Thương mại vận tải Tấn Hưng (vì giá vé tăng 86,4% so với ngày thường) và công ty Trần Hoà (tăng giá vé tết lên 200%). Để phát hiện được những sai phạm trên nhằm bảo vệ khách hàng, đích thân lãnh đạo BXMĐ phải bỏ tiền túi mua vé của các doanh nghiệp trên để làm bằng chứng “bắt tận tay, day tận mặt”.

Tuy nhiên, sự quyết liệt ấy không ngăn được lòng tham của họ. Dịp tết 2011 và 2012, nhiều doanh nghiệp tại BXMĐ vẫn tiếp tục bán vé tăng vượt trần.

Bỏ công truy tìm nguyên nhân của tình trạng này, chúng tôi mới biết nó đơn giản xuất phát từ việc chế tài lỏng lẻo của các cơ quan quản lý. Bởi khi bị phát hiện sai phạm, nhà xe chỉ bị đình chỉ bán vé tại bến, làm giải trình với các cơ quan chức năng, bị phạt hành chính rồi cho hoạt động tiếp.

Cách xử lý này đã... “giúp” nhà xe hưởng lợi thế “được ăn cả, ngã... huề cả làng”. Vì thế, họ vẫn tiếp tục móc túi khách hàng, nếu có bị phát hiện thì lượng vé cần bán cũng đã bán gần hết. Số tiền bị phạt (nếu có) so tiền trục lợi được từ việc bán vé sai quy định cũng chẳng đáng là bao.

Thiếu phối hợp!

Một thực tế khác khiến cho tình trạng giá vé tăng cao bất thường nhưng vẫn được cho là hợp lệ là do các địa phương thiếu phối hợp, nhà xe xin chỗ này không được thì xin chỗ khác lại được.

Đơn cử, dịp tết năm 2013, để đẩy giá vé xe tết lên cao nhất trong điều kiện có thể, hãng xe Hoàng Long đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng ở TP.HCM (gồm sở Tài chính, GTVT…) xin tăng giá vé ngày thường lên 10%, nhưng do thấy không hợp lý nên thành phố chỉ đồng ý cho tăng thêm 5%. Không chấp nhận quyết định trên, hãng xe Hoàng Long đã ra Hà Nội kê khai và được chấp nhận cho phép tăng giá vé ngày thường lên 10%. Và trường hợp này không phải là hy hữu.

Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc BXMĐ, cũng cho rằng đây là điều bất cập. “Doanh nghiệp tăng giá vé quá cao, nếu kê khai ở TP.HCM sẽ khó được chấp nhận bởi các cơ quan chức năng thành phố nắm chắc được chuyện này. Trong khi đó, các địa phương khác không am tường nên mới cho phép”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, do thấy được bất cập trên, năm nay, BXMĐ vừa kiến nghị, vừa xây dựng kế hoạch bán vé tết sớm, làm cơ sở để sở GTVT TP.HCM làm việc và thống nhất quan điểm quản lý với các sở GTVT các tỉnh khác. Hy vọng điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng móc túi khách hàng, đa phần là sinh viên và người lao động nghèo phải xa quê hương vào thành phố kiếm sống.

Theo Đào Lê

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên