“Cò” vé Tết lại "tái xuất", nhà tàu bị đe "xử" bằng HIV
Không chỉ có “cò truyền thống” làm ăn hàng chục năm trước cửa các nhà ga lớn mà mới đây xuất hiện một loại "cò" mới, đó là "cò" bán vé tàu qua mạng, hưởng chênh lệch.
Nguồn vé không do nhà ga cung cấp chính thống nhưng vẫn treo cả lô gô, hình ảnh của ga để gây nhầm lẫn cho khách hàng
“Cò” 75 tuổi vẫn hành nghề
Danh sách đen về lai lịch, địa chỉ các cò vé hoạt động tại ga Hà Nội được cơ quan chức năng cập nhật đến thời điểm hiện tại lên đến gần 40 người. Lãnh đạo ga Hà Nội cho biết, mặt mũi cò vé thế nào nhân viên nhà ga nhớ gần hết, nhưng cứ thấy bóng dáng lãnh đạo đi thị sát là "cò" lủi mất tăm, tạm lánh bên kia đường đối diện ga.
Đa số các "cò" hoạt động ở đây có thâm niên từ 20 đến 30 năm, “phe” vé từ thời bao cấp. Người nhiều tuổi nhất được nhắc đến là “cụ cò” 75 tuổi, nhà ngay gần ga. “Cụ cò” này còn truyền nghề cho con, ngày nào hai mẹ con cũng ngồi ở cửa ga từ sáng sớm để hành nghề “phe” vé.
Hàng chục "cò" vé hoạt động tại khu vực trước ga nên không khó để bất kỳ ai đi qua cũng nhận ra. Hành khách đi tàu hễ vừa bước chân xuống xe là "cò" xuất hiện ngay trước mặt hỏi đi đâu, mua vé loại gì. Nếu bị đuổi, các đối tượng này sẽ dạt sang đứng phía bên kia đường Lê Duẩn đối diện ga hoặc túm tụm ở đầu đường Trần Hưng Đạo, ngay sát nơi làm việc của một đơn vị công an, đứng đợi “thời cơ”.
Hoạt động của "cò" vé không chỉ bán vé cho khách đi tàu để hưởng chênh lệch mà còn kinh doanh cả vé tàu đã qua sử dụng phục vụ những người cần thanh toán công tác phí với cơ quan. Cách kinh doanh của các "cò" cũng linh hoạt, nếu khách cần vé nhiều vào dịp cao điểm như lễ, tết thì khách có thể đặt cọc tiền trước, "cò" viết giấy biên nhận, hẹn ngày giao vé đàng hoàng.
Trong vai người mua vé đã sử dụng tuyến Hà Nội- Sài Gòn, phóng viên gọi điện cho một bà "cò" vào tầm 8 giờ tối. Trời lạnh buốt nhưng bà này vẫn nhiệt tình phục vụ và hẹn 30 phút sau đến trước ga nhận hàng.
Mỗi vé tàu được bán như thế, ít nhất "cò" sẽ đút túi 50 ngàn đồng. Thu nhập khá hời như vậy nên "cò" tụ về nhiều, bám trụ hàng chục năm ở ga là điều dễ hiểu. Ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội cho biết: “Không chỉ là ngày lễ , tết mà suốt 365 ngày cò không hề nghỉ, có chăng chỉ vắng mặt vào 3 ngày tết như cán bộ nhà nước mà thôi.
Điều khiến nhà ga chúng tôi lo lắng là hàng chục "cò" đang có nguy cơ coi nhà ga như là chỗ làm việc hàng ngày của mình, đuổi đi còn cự nự: “Có phải nhà các ông đâu mà đuổi?”. Cứ mở mắt ra là các đối tượng này đã ngồi ở ga, có ngày chẳng bán được vé nào họ cũng ngồi. Không phải những ngày cao điểm khan hiếm vé họ mới hoạt động đâu.
Tôi nhẩm tính, một năm có các đợt cao điểm như dịp 30/4, hè, tết nhưng cộng lại chỉ khoảng 3 tháng khan hiếm vé, còn 9 tháng dư dả, có lúc vé còn thừa cả toa nhưng họ vẫn hoạt động liên tục. Có trận lũ lịch sử cách đây vài năm, hành khách phải tăng- bo từ ga Hà Nội xuống ga Giáp Bát thì cò cũng bám theo xe chở khách, xuống đó hoạt động tiếp”.
Mới đây, xuất hiện một loại "cò" mới đó là bán vé tàu qua mạng hưởng chênh lệch. Có khoảng 3 trang mạng đã rao bán vé tàu nhưng nguồn hàng không do nhà ga cung cấp chính thống. Một số trang còn treo nguyên cả lô gô của ga Hà Nội để gây nhầm lẫn cho khách hàng là trang bán vé qua mạng chính thức của ga. Điều này khiến lãnh đạo ga và TCty Vận tải hành khách Hà Nội đau đầu chống chọi với “cò” vé.
Nhà tàu bị đe “cho nhiễm HIV”
Để đảm bảo an toàn cho khách và an ninh khu vực ga, lãnh đạo ga Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp như không cho phép "cò" vào khu vực ga mua vé và bắt nhân viên cam kết không tiếp tay tuồn vé ra ngoài; nếu có việc tiếp tay, tuồn vé thì bị chuyển việc hoặc đuổi việc, chấm dứt hợp đồng.
Nhưng làm gắt quá thì lãnh đạo ga bị chửi bới, nhắn tin đe dọa cho “ăn HIV” và nhà ga nhiều khi cũng “chùn tay” vì đa số các đối tượng đều có tiền án, tiền sự, nghiện hút…Nhân viên bán vé dù có ký cam kết thì cũng không thể hậu kiểm được họ có thực hiện đúng cam kết hay không. Và thực tế, vé ngoài ga dồi dào, lúc nào cũng có thì không thể không có sự “giúp sức” từ nhân viên nhà ga tuồn ra ngoài, có điều, phát hiện ra được là cả vấn đề khó khăn, phức tạp.
Bức xúc trước vấn nạn này cũng như bị chịu nhiều điều tiếng không hay từ dư luận về việc nhà ga tiếp tay, lãnh đạo ga Hà Nội năm nào cũng tổ chức cuộc họp với công an các phường liên quan, Công an quận và Công an TP. Hà Nội xin ý kiến, thậm chí là sáng kiến để nhà ga quản lý tốt hơn nhưng sau mỗi lần họp, chỉ nhận được những phát biểu na ná nhau, rằng không có chế tài xử lý "cò".
“Mới đây nhất, chúng tôi tổ chức họp với công an 3 phường liên quan, Trạm cảnh sát ga, Đội 5 Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội bàn các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong dịp tết, trong đó trọng tâm là chống "cò" vé tại khu vực trong và ngoài ga nhưng thật buồn là tất cả các ý kiến đều nói không có chế tài xử lý. Vậy chẳng lẽ một việc mà ai cũng bức xúc như thế lại không có quy định để xử lý?” - ông Rậu băn khoăn.
Trước đó, vào tháng 5/2012, một vụ việc điển hình của việc tuồn vé cho cò nhưng công an cũng bó tay: Có một cán bộ vào ga mua vé hỏi đi Cửa Lò - Nghệ An thì được trả lời hết vé giường nằm, chỉ còn vé ngồi. Quay ra cổng, chị này đặt tiền mua của một anh "cò", vài ngày sau nhận 16 vé giường nằm, hưởng chênh lệch gần 1,4 triệu đồng và anh này còn hẹn sẽ giao 16 vé về.
Sau khi vào ga hỏi lô vé này thật hay giả thì số vé bị giữ lại được xác minh là vé thật, do đại lý của ga Giáp Bát tuồn ra. Thế nhưng, với hành vi của anh cò này, cơ quan công an cũng khẳng định không có dấu hiệu hình sự hay vi phạm hành chính, do hai bên thỏa thuận mua bán.
Theo PV