Cua biển bán giá siêu rẻ đầy trên vỉa hè ở TP.HCM
Vài tháng gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều các gian hàng, xe đẩy, điểm bán tự phát kinh doanh thủy hải sản tươi sống.
Mặc dù các mặt hàng được kinh doanh với giá tương ứng chất
lượng của sản phẩm nhưng thủy hải sản tươi sống được bày bán rải rác trên các
tuyến đường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang gây nguy hại đến sức
khỏe người tiêu dùng và những vấn nạn khác.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ mạnh những mặt
hàng này, ngày càng xuất hiện nhiều người bán buôn đã chuyển sang kinh doanh
ngành hàng thủy hải sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở các khu vực như quận 2, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp cho đến những tuyến đường
như Nguyễn Hữu Thọ, Kha Vạn Cân, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13 nhiều mặt hàng thủy hải
sản được bày bán trên sạp tạm, xe đẩy bên lề đường với số lượng khá lớn và giá
rẻ hơn cả giá bán sỉ.
Tại các điểm bán lẻ trên, có khá nhiều bảng giá như cua biển 65.000-85.000 đồng/kg,
trong đó giá cua thịt loại nhỏ (khoảng 3-4 con/kg) là 65.000 đồng/kg, cua thịt
loại lớn (khoảng 2 con/kg) là 85.000 đồng/kg, riêng cua gạch 120.000 đồng/kg.
Theo người bán, cua biển ở đây được lấy từ vựa của người bà con tại chợ đầu mối
nông sản thực phẩm Bình Điền, vựa này nhập hàng từ tỉnh Cà Mau, phân phối vào
thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu.
Còn tại một điểm bán nghêu trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, nhằm đảm bảo về
nguồn gốc sản phẩm với khách hàng, chủ hàng giải thích hầu hết những người bán
hàng rong hoặc trên lề đường thường tự lấy hàng tận gốc hoặc trực tiếp từ
thương lái các tỉnh nên giá bán rẻ hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với trong chợ
truyền thống, siêu thị.
Bà Thanh Loan, chủ cửa hàng cua Cà Mau, quận Tân Bình, cho biết: những sản phẩm
cua biển có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng không thể có giá dưới 100.000 đồng/kg
như các cửa hàng tạm này bày bán, mức giá ấy chỉ có thể là hàng dạt hoặc hàng
xô (cua có trọng lượng nhỏ, gãy càng…).
Bên cạnh đó, nhiều điểm bán có giá thành thấp nhưng lại ăn gian trọng lượng,
đánh lừa khách hàng bằng các thủ đoạn như dùng dây buộc cua to, cân chỉnh sai lệch,
giới thiệu sai về nguồn gốc sản phẩm.
Đáng chú ý hơn, trong thời gian gần đây ngoài mặt hàng cua biển, nghêu, có thêm
một số loại thủy hải sản đặc biệt được trưng bày bên lề đường như tôm hùm, thịt
cá sấu với giá rẻ “cực sốc.”
Trong đó, tôm hùm có giá bán phổ biến từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, thịt cá sấu
tươi ở mức 50.000 - 100.000 đồng/kg. Khi hỏi nguồn gốc sản phẩm, một người bán
cam đoan đây là hàng nuôi tại các cơ sở, trang trại thuộc Thành phố Hồ Chí
Minh.
Người bán này cũng giải thích, trước kia không nhiều người nuôi nên thịt cá sấu
thuộc loại hiếm, giá cao và chỉ cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, quán ăn,
nhưng hiện nay nguồn hàng rất nhiều, giá phù hợp nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, các mặt hàng thủy hải sản bày bán trên
các xe đẩy, sạp tạm bợ hoặc bảo quản trong thùng giữ lạnh khó đối phó được với
thời tiết thay đổi liên tục, nắng mưa thất thường, dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng,
không thể đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chưa kể những trường hợp nhằm cạnh tranh về giá hay tâm lý giá rẻ
dễ bán, một số thương nhân còn kinh doanh hàng kém chất lượng và dùng nhiều thủ
đoạn tinh vi để lừa dối khách hàng.
Các chuyên gia nhận định, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và những quy định
đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thực phẩm tươi sống khi kinh doanh phải được
bảo quản tuân thủ những quy định nhất định, riêng ngành hàng thủy hải sản còn
có những tiêu chuẩn bảo quản khắt khe hơn.
Trong sáu tháng đầu năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh
đã phối hợp kiểm tra liên ngành, với tổng số 1.162 vụ kiểm tra của các đoàn
liên thành quận, huyện về các vấn đề liên quan đến thực phẩm, đã phát hiện 495
vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục nghìn đơn vị hàng hóa vi phạm
trong vận chuyển, phân phối, buôn bán gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống như
gia súc, gia cầm, thủy hải sản không chứng từ hóa đơn, không rõ nguồn gốc, kinh
doanh trái phép.
Theo cơ quan chức năng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
của lực lượng liên ngành, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bữa ăn
gia đình trước những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…
Đồng thời, khuyến khích người dân nên chọn mua thực phẩm ở những địa điểm uy
tín, an toàn, không nên sử dụng các mặt hàng bán buôn bên lề đường, vừa không đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa tiếp tay những hoạt động kinh doanh trái
phép./.
Theo Mỹ Phương