Theo bộ Công thương, hoạt động tạm nhập tái xuất đường trong
thời gian qua đã có một số vi phạm, nhưng đã và đang được cơ quan chức năng kiểm
tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn gian lận thương mại. Hoạt động tạm nhập
tái xuất đường không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu đường sản xuất
trong nước sang thị trường Trung Quốc.
Trong năm 2011, đã có 82.800 tấn đường tạm nhập và 80.600 tấn
đường tái xuất; năm 2012, lượng đường tạm nhập là 142.100 tấn và tái xuất là
147.100 tấn; trong sáu tháng đầu năm 2013 chỉ có 13.200 tấn đường tạm nhập.
Trước
đó, hiệp hội Mía đường Việt Nam và bộ Tài chính đã đề nghị đưa đường vào danh mục
ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, bởi phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động
này và lo ngại đường nội địa không cạnh tranh được với đường tạm nhập tái xuất
khi xuất khẩu sang Trung Quốc; còn bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ
muốn tái xuất đường qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế.
Theo Minh Minh