MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cả có tăng trong năm 2014?

01-01-2014 - 16:52 PM |

Diễn biến giá cả trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục…).

Tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2013 và dự báo 2014” do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2014 và một số năm tiếp theo sẽ có thể giảm dần. Đây là xu hướng tất yếu của sự cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những rủi ro khó lường khiến chúng ta không thể chủ quan.

Năm 2013, giá cả không còn “nhảy múa”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 12-2013 tăng 0,51% so với tháng 11-2013; tăng 6,04% so với tháng 12-2012 và chỉ số CPI bình quân năm 2013 tăng 6,60% so với năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua.

Xét về chỉ số giá của từng nhóm hàng trong “rổ” hàng hóa, tăng mạnh nhất là giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (cả nhóm tăng 18,97%, riêng dịch vụ y tế tăng 23,51%); sau đó là nhóm Giáo dục (cả nhóm tăng 11,71%, riêng dịch vụ giáo dục tăng 12,82%).

Nhóm giảm giá hoặc tăng thấp hơn tốc độ tăng giá chung là nhóm Bưu chính viễn thông (giảm 0,57%); Giao thông (tăng 2,60%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (cả nhóm tăng 5,08%, riêng Lương thực tăng 1,98%, Thực phẩm tăng 6,02%, Ăn uống ngoài gia đình tăng 5,27%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 5,49%)…

Theo ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), diễn biến CPI năm 2013 đã phá vỡ xu hướng biến động giá có tính quy luật là “hai năm nhanh, một năm chậm” đã hình thành ở nước ta trong 9 năm trước đó (2004-2012). Điều này thể hiện sự điều hành, can thiệp vào thị trường, giá cả ở Việt Nam của Chính phủ đã chủ động, có liều lượng và bài bản hơn. Do vậy, giá cả không còn bị “nhảy múa” giữa hai thái cực (tăng nhanh rồi lại chậm, rồi lại nhanh…).

Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, dấu ấn rõ rệt nhất của thị trường giá cả năm 2013 là đã củng cố vững chắc hơn sự ổn định mới được tái lập từ năm 2012 sau hai năm 2010-2011 đầy bất ổn, góp phần tích cực vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự ổn định của thị trường giá cả năm 2013 vẫn chưa thực sự vững chắc do chủ yếu chịu sự chi phối của tổng cầu tăng thấp, cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng bên cạnh niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng tuy được phục hồi những vẫn còn thấp.

Lo ngại giá tăng do nới lỏng chính sách tài khóa

Sang năm 2014, theo TS. Vũ Đình Ánh, diễn biến thị trường giá cả một mặt vẫn chịu tác động bởi các chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống cũng như xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng, mặt khác, lại chịu ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khoá như tăng thâm hụt ngân sách nhà nước lên 5,3%GDP đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2014-2016 bên cạnh 225.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư cho giai đoạn 2011-2015.

“Thêm vào đó, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và cố gắng đẩy cao tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể buộc dòng tiền vận động nhanh hơn với quy mô lớn hơn khiến cho áp lực lạm phát tăng lên. Chính vì vậy, nhiệm vụ duy trì sự ổn định của thị trường giá cả năm 2014 cơ bản tương tự như năm 2013 song cần lường trước và có biện pháp đối phó với áp lực lạm phát tăng năm 2015”, TS. Ánh nhận định.

Trên thực tế, diễn biến giá cả trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục…). Diễn biến giá cả khá ổn định của năm 2013 cho thấy đây là “cơ hội tốt” để Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng này theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra (tăng khoảng 7%).

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể trong năm 2014 cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.

Vẫn bảo lưu quan điểm tại nhiều cuộc hội thảo về giá cả, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị TP. Hà Nội cho rằng, muốn đạt được những chỉ tiêu CPI hợp lý trong năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng ta cần một sự ổn định, đổi mới ở bên trong một cách thực sự, với nhiều biện pháp cụ thể.

Theo ông Phú, cần tạo một số chuỗi hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng, thuốc chữa bệnh đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, hạn chế trung gian không cần thiết. Xây dựng các tập đoàn mạnh về thương mại, đủ sức dẫn dắt thị trường, nhất là những khi có biến động về giá cả. nhà nước tổ chức tốt việc dự trữ quốc gia một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu đảm bảo cho các nhu cầu bình ổn, giá cả thường xuyên cũng như khi có đột biến.

hangnt

Theo Báo Hải quan

Trở lên trên