MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vé tàu Bắc - Nam sẽ thấp hơn vé xe

03-07-2014 - 08:11 AM |

Để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, TGĐ ĐSVN Vũ Tá Tùng đề nghị hai cty vận tải khách HN, SG giảm giá vé tàu Bắc - Nam loại cao nhất và đưa ra hạng vé rẻ thấp hơn vé ô tô.

Sáng qua 2/7, theo thông tin tại hội nghị bàn giải pháp cho 6 tháng cuối năm của TCT đường sắt VN (ĐSVN), hành khách đi tàu trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,9 triệu lượt, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân sụt giảm do hành khách đi đường dài có xu hướng chọn máy bay giá rẻ hơn là đi tàu.

Để thu hút khách hàng, ông Phạm Văn Sơn, TGĐ Công ty vận tải khách đường sắt Sài Gòn, đề xuất xây dựng giá trần, giá sàn, xây dựng hệ thống bán vé tiện ích hơn, thêm các tiện ích như GPS trên đoàn tàu để khách theo dõi được thời gian, vị trí chạy tàu. Đại diện Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội thì đề xuất giảm giá vé chiều rỗng vào ngày thấp điểm.

Theo ĐSVN, thống kê cho thấy tàu Thống Nhất đi đúng giờ mới đạt 98%, đến đúng giờ mới đạt 77%, tàu địa phương đi đúng giờ đạt 93%, đến đúng giờ đạt 55%. Tàu chậm giờ chủ yếu do các sự cố khách quan như đâm, va, thi công đường… 

Để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, TGĐ ĐSVN Vũ Tá Tùng đề nghị hai công ty vận tải khách Hà Nội, Sài Gòn giảm giá vé tàu Bắc - Nam loại cao nhất và đưa ra hạng vé rẻ thấp hơn vé ô tô. Đặc biệt, áp dụng chương trình giảm giá vé 30% nếu khách hàng mua vé tàu sớm 1 tháng. 

Ông Tùng cũng yêu cầu ĐSVN thiết lập biểu đồ chạy tàu mới, cung cấp wifi tại các ga, có thông tin trên internet để hành khách biết chính xác giờ tàu chạy, tránh cảnh phải ra ga sớm nhưng tàu đến chậm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu ĐSVN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, mục tiêu tới năm 2015 phải hoàn thành CPH với công ty mẹ và nhiều đơn vị. Bên cạnh việc phải tách triệt để quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải, ĐSVN cần tính toán sắp xếp lại lao động dôi dư sau CPH.

25% chuyến bay bị chậm, hủy chuyến

Theo Cục Hàng không VN, tính đến hết tháng 5.2014, tỷ lệ chậm hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không VN là 25%, cao hơn so với tỷ lệ 16% của cùng kỳ năm 2013. Cao nhất là Vietjet Air 51% (trong đó chậm chuyến là 48,4%), Jetstar Pacific là 50% (chậm chuyến 46,6%), Vasco là 17%, Vietnam Airlines là 14% (chậm chuyến 11,8%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến, nhưng 50% nguyên nhân liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của các cảng hàng không vào giờ cao điểm.


Bên cạnh đó, các cảng hàng không cũng còn nhiều vấn đề, như rò rỉ nước, hệ thống thang cuốn, máy soi hành lý hay bị trục trặc, thậm chí xuất hiện nhiều gián, chuột tại nhà ga T1 cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Trong khi đó, các cảng miền Bắc khác như Vinh, Cát Bi, Đồng Hới còn quá tải, hệ thống băng chuyền hành lý thiếu, xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn trong giờ cao điểm. Vẫn tồn tại hiện tượng kinh doanh thực phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Mai Hà

khanhnt

Thanh niên

Trở lên trên