Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư sang An-giê-ri
Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường tiềm năng An-giê-ri, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại gồm 18 doanh nghiệp đi giao thương tại thành phố Alger, An-giê-ri.
Thời gian diễn ra trong khoảng 07 ngày dự kiến từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 10 năm 2013 (gồm cả ngày đi và về).
Về kinh phí, các doanh nghiệp được lựa chọn sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi Việt Nam –An-giê-ri (01 vé/01 doanh nghiệp) và chi phí tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp (Các chi phí khác bao gồm: lệ phí visa, tiền khách sạn, tiền ăn uống, xe ô tô đi lại... trong thời gian làm việc tại An-giê-ri do doanh nghiệp tự chi trả)
Trong thời gian ở An-giê-ri, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á sẽ phối hợp với phía An-giê-ri, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp, đi thăm các công ty, cảng biển, trung tâm thương mại, gặp gỡ một số cơ quan quản lý để tìm hiểu về chính sách xuất nhập khẩu, đầu tư... Đây là dịp để các doanh nghiệp của ta gặp gỡ, thảo luận trực tiếp với các đối tác An-giê-ri nhằm thiết lập quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư.
Trong những năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và An-giê-ri không ngừng tăng cao. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang An-giê-ri đạt 129 triệu USD, tăng 28% so với năm 2011 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Phi.
7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang An-giê-ri đạt 101,33 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2012, trong đó cà phê chiếm 31,52 triệu USD, gạo 28,6 triệu USD, điện thoại và linh kiện 10,8 triệu USD, hạt tiêu 10 triệu USD, hàng hải sản 5,5 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 4,8 triệu USD, sản phẩm sắt thép 3,2 triệu USD, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cơm dừa, linh kiện ôtô CKD, SKD, sản phẩm dệt may, hóa chất, sản phẩm chất dẻo, v.v...
Ngoài ra, Chính phủ và các doanh nghiệp An-giê-ri còn mong muốn hợp tác với Việt Nam dưới các hình thức như liên doanh liên kết, đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân công, xuất khẩu lao động trong các lĩnh vực:
Điện và điện tử: Sản xuất cáp quang; Cáp điện các loại; Thiết bị điện và điện tử (các loại thẻ cho điện thoại và cho các ngành khác); Thiết bị viễn thông; Điện gia dụng; Đèn tín hiệu giao thông; Hệ thống camera an ninh; pin và ắc quy (bao gồm cả các thiết bị pin mặt trời); Lắp đặt hệ thống viễn thông.
Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, đồ gỗ: Hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất các loại máy chế biến bột mì, ngô, kiều mạch; Nhà máy giết mổ động vật và sản xuất chế biến các loại thịt trắng và thịt đỏ; Sản xuất dầu thực vật và sản xuất đường; Sản xuất máy nông nghiệp (máy gặt đập hỗn hợp, máy sản xuất bột mì); Nhà máy chế biến sữa; Chế biến gỗ, sản xuất đồ gia dụng, đồ gỗ xây dựng, v.v…
Sản xuất may mặc và da giày: Hợp tác đầu tư nhà máy may mặc, sản xuất vải gồm vải cotton và vải tổng hợp, sản xuất sợi, thuộc da, sản xuất giày dép...
Ngành dược phẩm: Hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh, nguyên liệu bán thành phẩm dược liệu, v.v...
Xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở du lịch tại An-giê-ri.
Do khả năng tự cung ứng của thị trường nội địa còn rất hạn chế nên An-giê-ri có nhu cầu nhập khẩu lớn và ngày càng tăng các mặt hàng nói trên. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý chiến lược, An-giê-ri còn là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường các nước khu vực Tây và Trung Phi.
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á