Kem trắng da giả đội lốt hàng xách tay
Phong trào xài mỹ phẩm xách tay nở rộ vài năm gần đây, đặc biệt là các loại kem trắng da, đã tạo điều kiện cho sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc tung hoành
Việc tìm kiếm địa chỉ những nơi bán mỹ phẩm dỏm để xử lý rất gian nan, chưa kể người bán còn lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh nên càng khó kiểm soát.
Vô tư sản xuất
Chiều 22-7, kiểm tra hành chính tại hộ ngăn phòng cho thuê số 174/186 đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM, cơ quan chức năng phát hiện một “lò” sản xuất mỹ phẩm dỏm trong phòng trọ với diện tích chỉ khoảng 20 m2.
Người thuê là Nguyễn Thị Thanh Dung (SN 1986, thường trú Gia Lai) khai nhận đã đầu tư khoảng 45 triệu đồng để tổ chức sản xuất mỹ phẩm với công nghệ hết sức thủ công, máy móc chỉ gồm máy ép, máy trộn, xô chậu... Ngoài Dung còn có chồng và 2 nhân viên phụ giúp việc sản xuất và kinh doanh.
Dung khai đã mua nhiều loại kem ở chợ Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5), sau đó tháo rời rồi trộn chung với nhau tạo thành sản phẩm kem trắng da các hiệu như: Snow white, Snow girl, Queen perfect, Cabeller, O’nalyss... ghi xuất xứ Thái Lan, Anh được xách tay từ nước ngoài về. Hàng hóa chủ yếu được rao bán qua mạng, ai mua thì giao tận nhà. Dung cho biết đã thuê nhà và kinh doanh được khoảng 6 tháng.
Trước đó, ngày 30-6, Đội 5B - Chi cục QLTT TP HCM đã phục kích bắt được một lượng lớn hàng ngoại không có hóa đơn chứng từ cũng như người đứng ra làm chủ hàng tại khu vực giao nhận trước Trung tâm Thương mại An Đông Plaza trên đường An Dương Vương (quận 5). Trong đó, đáng chú ý là nhiều mặt hàng mỹ phẩm, tân dược làm đẹp như: collagen, kem thoa mặt, kem làm trắng da, dầu gội... với số lượng lên đến hơn 1.300 đơn vị sản phẩm.
Một lãnh đạo QLTT TP HCM cho biết theo quy định, mỹ phẩm lưu hành trên thị trường phải có số công bố (được quản lý bởi ngành y tế - PV) trong khi mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả không qua kiểm soát, không thể biết chất lượng ra sao nên sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng trên để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Mua bán tràn lan
Chúng tôi đã tìm hiểu về thị trường mỹ phẩm xách tay, đặc biệt là các sản phẩm đặc trị cho da trắng sáng và nhận thấy có rất nhiều loại với những tên gọi, xuất xứ, thật giả khác nhau. Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng rất dễ mắc bẫy.
Chị Hồng Nga (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết một lần đọc được thông tin bán sữa non cô đặc Macka xách tay từ Nga về với giá 160.000 đồng/bịch trên mạng xã hội. Vì thấy lời chia sẻ hết sức ấn tượng nên chị đặt mua 2 bịch về dùng.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 lần sử dụng, da mặt của chị bỗng phồng rộp gây ngứa ngáy rất khó chịu. Tại vùng da bôi sữa, từng đốm đỏ li ti nổi lên. Quá sợ, chị Nga đến bác sĩ da liễu khám mới biết da mình bị dị ứng với chất tẩy trắng có trong sữa non. Chị phải vất vả suốt một thời gian dài trị vùng da bị tổn thương.
Bên cạnh sữa non, không ít trang mạng xã hội còn rao bán các sản phẩm như kem trị mụn LoBon, kem Face Baby trắng da... xách tay từ Hàn Quốc. Ngoài công dụng trắng và mịn da, người bán còn đưa ra rất nhiều lời quảng cáo như kem này có thể nhanh chóng làm mờ vết thâm, chống nắng, làm căng da vùng mắt, chống lão hóa da, ngừa mụn… Có trang còn đưa cả giấy chứng nhận sản phẩm để người mua tin tưởng.
Nhưng thực chất theo chị Trang, người chuyên bỏ mối kem trắng da ở TP HCM, hầu hết các loại kem làm trắng xách tay trên thị trường đều được trộn từ nhiều hóa chất khác nhau. Thành phần chủ yếu là hóa chất tẩy da có chứa corticoid, sau đó đóng hộp, dán mác rồi đem đi tiêu thụ.
Giám đốc một công ty sản xuất mỹ phẩm tại TP HCM cho biết các loại mỹ phẩm được làm theo kiểu thủ công chắc chắn sẽ không bảo đảm vệ sinh, dễ bị nhiễm vi sinh. Chưa kể, với những dụng cụ sản xuất không phù hợp, sản phẩm rất dễ bị nhiễm chì, thủy ngân cùng nguyên liệu không rõ ràng sẽ nguy hiểm cho người sử dụng. “Nguyên tắc phối trộn trong mỹ phẩm phải có liều lượng, tỉ lệ, cân đo đếm cực kỳ chính xác theo công thức chứ không thể muốn trộn sao thì trộn sẽ dẫn đến hỗn hợp không đồng nhất, chỗ thừa, chỗ thiếu” - vị này chia sẻ.
Theo vị giám đốc này, nhiều phụ nữ Việt Nam có tâm lý hễ dùng mỹ phẩm là phải trắng ngay, đẹp ngay trong khi về nguyên tắc an toàn thì không có công thức nào làm được như vậy, trừ khi có bỏ thêm chất cấm dùng trong mỹ phẩm như corticoid.
“Hàng xách tay, nhiều người cứ tưởng xịn vì sản xuất ở nước ngoài nhưng thực tế thì da của người Việt và người Tây không giống nhau, thời tiết cũng khác biệt. Do đó, các hãng nổi tiếng thế giới khi đưa mỹ phẩm vào Việt Nam phải nghiên cứu sản phẩm có phù hợp với người Việt chứ không phải loại nào cũng bán được” - ông nói thêm.
Mỹ phẩm Trung Quốc giả hàng hiệu Tại một quầy chuyên bán mỹ phẩm ở chợ Vườn Chuối (quận 3), hằng ngày có nhiều chị em đi chợ thường ghé vào mua son môi, mascara, má hồng... Sản phẩm ở đây được quảng cáo là hàng hiệu xách tay nên có giá rẻ. Một cây mascara hiệu Maybelline bán ở cửa hàng chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng, tức là rẻ hơn phân nửa giá hàng chính hãng. Hàng trăm cây son môi với đầy đủ các màu thời trang cũng chỉ có giá 20.000 đồng/cây. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ mới biết thực chất đó chỉ là son môi Trung Quốc nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu những sản phẩm này bán ở các lề đường hay chung quanh khu công nghiệp chỉ có giá 3.000 đồng/cây nhưng khi lên kệ lập tức được đẩy giá lên vài lần. |
Phá điểm sản xuất mỹ phẩm dỏm quy mô lớn
Theo Ngọc Ánh – Ngọc Mai