Khó giám sát, xử lý chất lượng thực phẩm tại các chợ bán lẻ
Tại Hà Nội, ở các chợ lớn thường có cán bộ Thú y chịu trách nhiệm giám sát. Tuy nhiên, lực lượng Thú y cho rằng rất khó khăn vì không có chức năng xử phạt.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng
8.500 chợ, tức là trung bình khoảng 10.000 dân mới có một chợ. Với con số này,
thực tế không thể đáp ứng hết nhu cầu trao đổi hàng hóa, sinh hoạt hằng ngày của
người dân, bởi vậy còn hàng loạt chợ cóc chưa được thống kê cũng tồn tại song
song. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều đe dọa về an toàn thực phẩm khi nguồn cung
cho khu vực này hầu như không được kiểm soát.
Quy định cấm giết mổ
gia cầm tại chợ chỉ nằm trên giấy
Nhằm hạn chế những nguy cơ mất an toàn từ các chợ, nhiều quy
định đã được ban hành. Có thể kể đến việc cấm giết mổ gia súc, gia cầm sống tại
chợ đã được thực hiện từ hơn 4 năm nay. Tuy nhiên, từng ấy thời gian chưa đủ để
thay đổi một thói quen sinh hoạt, nên trên thực tế các quy định này đều chỉ là
cho có. Hiện nay, từ chợ lớn đến chợ nhỏ trên toàn quốc, không riêng gì các
thành phố lớn, đều có bán gia cầm sống, và người bán sẵn sàng giết mổ tại chỗ
cho khách theo yêu cầu.
Mới đây, ngày 17/8, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục
QLTT Hà Nội) đã kiểm tra khu chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) và phát hiện
hàng loạt quầy hàng bày bán và giết mổ gà vịt một cách công khai. Thoáng thấy sự
xuất hiện của lực lượng QLTT, các tiểu thương lập tức đóng sập quầy hàng, tẩu
tán gà vịt để đối phó. Phải vất vả lắm QLTT mới thu được một lồng gà chừng chục
con để xử lý. Đáng nói ở chỗ, vào tháng 5, khu chợ này cũng đã từng bị kiểm tra
và bị xử lý với lỗi tương tự. Tuy nhiên, kiểm tra thì kiểm tra, mọi việc vẫn cứ
tiếp diễn. Tình trạng này có thể tìm thấy ở bất cứ chợ nào trong khu vực Hà Nội.
Mặc dù việc giết mổ tại chỗ gây ô nhiễm và có nguy cơ lây
lan dịch bệnh rất cao, mặt khác cũng không đảm bảo vệ sinh do điều kiện thiếu
thốn tại chợ, tuy nhiên người tiêu dùng lại thích mua kiểu này hơn so với gia cầm
đã giết mổ sẵn, với quan niệm nó “tươi” và có thể nhìn tận mắt. Trong khi đó,
việc kiểm tra giám sát tại các chợ này là rất phức tạp. Thậm chí, tại nhiều chợ
cóc, không có bất cứ hình thức giám sát nào.
Tại Hà Nội, ở các chợ lớn thường có cán bộ Thú y chịu trách
nhiệm giám sát. Tuy nhiên, lực lượng Thú y cho rằng rất khó khăn vì không có chức
năng xử phạt. Theo ông Âu Duy Vũ, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hai Bà Trưng, mặc
dù lực lượng Thú y biết việc giết mổ gia cầm tại các chợ cóc, chợ tạm nhưng lực
lượng này lại không có chức năng xử phạt, mà chỉ có thể báo với chính quyền để
phối hợp xử lý. Chính vì không chủ động được, nên tình trạng cha chung không ai
khóc vẫn đang diễn ra tại hầu hết các chợ.
Ông Vũ cho rằng, nếu chính quyền cơ sở không thực sự quyết
liệt thì vấn đề sẽ không giải quyết được tận gốc. Và nên thành lập chốt tại các
chợ để ngăn chặn gia cầm tuồn vào chợ, có như vậy mới xóa được việc kinh doanh
và giết mổ gia cầm lậu này.
Thay đổi phải từ gốc
Không chỉ có quy định cấm giết mổ gia súc, gia cầm tại các
chợ bị phớt lờ, để đảm bảo ATVSTP trong khâu vận chuyển từ lò giết mổ đến các
chợ, từ năm 2010, UBND TP Hà Nội cũng đã quyết định chi ngân sách cho Sở Công
Thương Hà Nội mua 200 chiếc thùng inox chuyên dụng để đựng sản phẩm gia súc,
gia cầm khi vận chuyển bằng xe máy, cấp phát cho 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia
cầm lớn trên địa bàn thành phố. Nhưng cho đến thời điểm này, những chiếc thùng
đã bị bỏ xó, lợn vẫn bị “quét, lê” trên đường từ lò mổ về chợ. Với nhiều lý do
khác nhau, người kinh doanh gia súc, gia cầm từ chối sử dụng thùng inox.
Trước hết, mỗi chiếc thùng inox chỉ có thể đựng được một con
lợn. Nhưng chở bằng xe máy, một chiếc xe có thể “chồng chất” tới 5 - 6 con lợn.
Thêm nữa, thay đổi thói quen hay ý thức của người kinh doanh không phải dễ dàng.
Và kế hoạch dùng thùng inox chở thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội đã bị
“phá sản”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Theo quy định hiện nay, thì hàng hóa đã đưa vào chợ truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa tươi sống bán đến tay người tiêu dùng ngay, không bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả hàng hóa nhập chính ngạch đã đưa vào chợ bán lẻ cũng không cần trình các giấy tờ này.
Điều này đồng nghĩa với việc cứ đưa hàng được vào chợ bán lẻ là coi như hợp
thức hóa được mọi thứ nguồn gốc. Nếu cơ quan chức năng có tổ chức kiểm tra tại
chợ cũng không thể xử lý được. Do đó, để kiểm soát nguồn hàng vào chợ, chỉ có
cách là giám sát ở đầu nguồn như chợ đầu mối hoặc các cơ sở bán buôn. Nhưng điều
đáng nói là ở chỗ nguồn hàng vào chợ thì vô cùng phong phú, không ai có thể kiểm
soát được.
“Với đặc điểm thị trường của chúng ta hiện nay, hay bất cứ thị trường nào khác trên thế giới, không có lực lượng nào rải ra để giám sát hết được, đặc biệt chúng ta chưa có nền sản xuất tập trung. Một người dân trồng rau, nuôi gà, không ai ngăn cản được người ta mang bán. Tuy nhiên, rất có thể bó rau đó vừa được phun thuốc hôm trước, con gà đó vừa được tiêm hôm trước…
Để
giải quyết vấn đề này, quan trọng nhất đặt ra trước hết vẫn là xây dựng được một
nền sản xuất tốt. Đó là cái gốc. Khi thực phẩm có nguồn gốc, đáng tin cậy xuất
hiện nhiều, tự khắc các sản phẩm không nguồn gốc sẽ bị tẩy chay. Thêm nữa, ý thức
của người sản xuất cũng phải nâng lên để đảm bảo an toàn không chỉ có người
tiêu dùng, mà cho cả người thân của mình” - ông Đỗ Thanh Lam cho biết.
Như vậy, vấn đề kiểm soát ATVSTP tại các chợ vẫn có rất nhiều
“lỗ hổng”. Khó kiểm soát từ nguồn thực phẩm cung cấp vào chợ, vận chuyển, chế
biến đến tay người tiêu dùng. Và cái khó nhất là sự phối hợp còn lỏng lẻo của
các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ phía chính quyền cơ sở
Theo Vũ Hân – Ngọc Yến