Kinh doanh hàng hiệu giả trên mạng
Nhiều sản phẩm nhái hàng hiệu được rao bán trên mạng với giá “siêu rẻ”.
Hàng giả, hàng nhái trong thời gian gần đây được công khai bày bán trên các website thương mại điện tử. Các mặt hàng như túi xách, nước hoa, đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng như Tissot, Louis Vuitton, Salvatore Ferragamo… tràn ngập.
Giá nào cũng có
Mới đây do muốn tìm mua món thời trang cho người yêu, chị Lê Minh Hằng (quận 3) tình cờ được một người bạn giới thiệu website mua hàng theo nhóm muachungtoanquocvn. Khi vào website, chị Hằng thật ngỡ ngàng với các mẫu đồng hồ nam Tissot (Thụy Sĩ) mà chị định mua có giá bán quá rẻ. Chiếc đồng hồ cao cấp Tissot Quart giá gốc là 7.950.000 đồng, giảm 69% còn 2.500.000 đồng hay chiếc đồng hồ Tissot Automatic Sapphire giá gốc 6.950.000 đồng giảm 59% còn 2.850.000 đồng. Thương hiệu lớn nhưng sao giảm giá mạnh như vậy? Chị Hằng băn khoăn và quyết định không mua.
Theo khảo sát, một trang khác như hkshop.vn cũng không kém cạnh. Các sản phẩm thời trang cao cấp giá cũng giảm 49% như nước hoa Lancôme tresor midnight Rose 75 ml còn 285.000 đồng. Tại một số trang mua theo nhóm khác như uudaigia.com, 24hdeal.vn, hàng loạt các thương hiệu lớn cũng có giá rẻ đến bất ngờ như mắt kính Cartier Paris giảm 34% chỉ còn 650.000 đồng…
Khảo sát thực tế ở các trung tâm thương mại, showroom chính hãng thì giá các sản phẩm nêu trên các trang web này chưa tới một nửa giá chính hãng. Chẳng hạn, đồng hồ Tissot thấp nhất giá phải trên 10 triệu đồng. Nước hoa với dung tích 30 ml thì giá đã hơn 1 triệu đồng một chai.
100% là hàng giả
Trả lời về việc sản phẩm hang hiệu có bán trên các website mua theo nhóm không? Đa số đại diện các thương hiệu đều cho rằng “không bao giờ hãng bán các sản phẩm của mình trên các website này”.
Ông Phạm Hải Phong, đại diện nhà phân phối của hãng đồng hồ Tissot, khẳng định: “Chúng tôi không bán sản phẩm trên các trang mua theo nhóm và đây là hàng giả bởi hàng chính hãng phải được bán tại Việt Nam thông qua nhà phân phối được sự chấp nhận của hãng. Các trang web trên mạng đã copy hình ảnh sản phẩm thật, logo hãng... Ngay cả việc họ đặt mã cho từng sản phẩm cũng không đúng với tiêu chuẩn của hãng”.
Cũng theo ông Phong, các trang mua theo nhóm là nhằm thu hút người tiêu dùng. Thế nhưng thực tế thì mức giá này vẫn khá cao bởi giá vốn các loại hàng giả, nhái này rất thấp.
Bà Phan Thị Mỹ Quyên, Trưởng phòng Bảo vệ thương quyền, Công ty L’Oreal Việt Nam - đơn vị nhập khẩu và phân phối chính thức các thương hiệu lớn như Lancôme, Giorgio Armany, Ralph Laurent..., cho biết theo thông tin điều tra của đội chống hàng giả thì nước hoa giả trên mạng có hai nguồn gốc: loại rẻ tiền có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn loại có bao bì đẹp hơn có nguồn gốc từ Thái Lan.
“L’Oreal đã mua thử hang trên nhiều trang mạng và 100% hàng mua được đều là hàng giả mạo. Mặc dù vậy, có những loại được làm giả cao siêu đến nỗi không thể nhận diện bằng mắt thường và chỉ sử dụng mới phát hiện được” - bà Quyên cho biết.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình
Các doanh nghiệp cho biết những website bán hàng giả thường giấu địa chỉ giao dịch, chỉ chấp nhận mang sản phẩm đến để người tiêu dùng xem, thế nên rất khó thẩm định sản phẩm.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thì địa chỉ trên website không có thật, hoặc có thật thì hàng hóa không có hoặc rất ít. Do đó cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên ngành để xử lý.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH-TM-DV Phương Phát cho rằng để chống hàng giả, hàng nhái vô cùng khó. Quan trọng là chặn ngay từ đầu vào, đó là hải quan. Bởi để thông quan thì chỉ có nhà phân phối chính hãng mới có đầy đủ hồ sơ công bố chứng nhận xuất xứ sản phẩm.
Theo tư vấn của một số doanh nghiệp, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình với các mặt hàng bán trên mạng, đặc biệt là với các sản phẩm giá quá rẻ và không có chứng từ hóa đơn. Để tránh mua phải hang giả, ngay cả đối với sản phẩm chính hãng, khách hàng phải yêu cầu nhân viên bán hàng xuất hóa đơn để đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.
Cần có chế tài pháp luật để xử phạt Các chế tài xử lý vi phạm về các website bán hàng giả hiện là buộc chủ sở hữu trang web gỡ bỏ hình ảnh hang giả, hàng nhái. Tuy nhiên, đối với hình thức chủ sở hữu trang mạng xã hội cho thuê lại chỗ trên website thì chủ sở hữu mạng chỉ chịu trách nhiệm gỡ bỏ, không chịu về các hậu quả pháp lý. Do đó người kinh doanh hàng giả khi bị gỡ bỏ ở mạng này thì chuyển sang mạng khác hoặc tạo trang web khác. Hiện nay còn đang thiếu cơ chế phối hợp giữa lực lượng thanh tra, quản lý thị trường và công an. Việc truy tìm chủ thực sự của hàng giả được đưa lên mạng chỉ có thể là cơ quan công an nhưng thẩm quyền xử phạt hành chính lại thuộc về Thanh tra Thông tin Truyền thông/quản lý thị trường. Luật sư NGUYỄN MINH HƯƠNG, |
Theo Tú Uyên