MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để đẩy lui đường lậu?

24-06-2013 - 14:10 PM |

Việc nhập lậu đường số lượng lớn ngày càng tăng và công khai hơn chứ không bí mật nữa, gây thất thu cho Nhà nước, lũng đoạn thị trường và có thể làm phá sản ngành sản xuất mía đường Việt Nam.

Trước tình trạng đường lậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng buôn lậu đường qua biên giới thời gian qua và tình trạng này đã tác động đến ngành mía đường trong nước ra sao?

Việc nhập lậu đường số lượng lớn ngày càng tăng và công khai hơn chứ không bí mật nữa, gây thất thu cho Nhà nước, lũng đoạn thị trường và có thể làm phá sản ngành sản xuất mía đường Việt Nam, trong đó chủ yếu ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân trồng mía.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị và nay tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng từ kiểm soát biên giới đến Quản lý thị trường cần tiếp tục đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại thông qua các việc làm cụ thể theo thông tin mà chúng tôi cung cấp.

Ngoài ra, cũng cần phải kiểm soát xe tải và ghe tải lớn chở đường lậu từ Châu Đốc về ĐBSCL và TP.HCM; điều tra khám xét các cơ sở tham gia buôn lậu đường theo địa chỉ; điều tra ngay các chợ bán đường lậu công khai; kiểm soát việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các cơ sở sang chiết và đóng gói đường và thực hiện việc kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở này theo pháp luật (quy định về nguồn gốc đường pha trộn, đóng gói, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm).

Ông nói gì về việc một số công ty mía đường có dấu hiệu không hợp tác với cơ quan Hải quan khi đến xác minh đường lậu?

Đây là vấn đề khá tế nhị vì thực tế vẫn có một số công ty bán hàng mà khách hàng truyền thống của họ nay cũng tham gia buôn đường lậu, mua đường của các công ty đường để hệ thống buôn lậu có chứng từ quay vòng. Hiệp hội chúng tôi chỉ khuyến cáo chứ không thể ngăn cấm các DN bán hàng vì khi mua hàng, các đầu nậu luôn sử dụng danh nghĩa là các hộ kinh doanh cá thể, các DNTN khác nhau để mua đường.

Qua sự phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, chúng tôi đã yêu cầu các DN mía đường cũng nên lưu ý trong quá trình ghi hóa đơn và giấy xuất kho cần thể hiện rõ thêm các chi tiết về phương tiện vận chuyển, nơi đến... để cơ quan chức năng có thêm chi tiết nhằm thuận tiện kiểm tra xác định ngăn chặn đường lậu.

Có dư luận cho rằng, ngành mía đường hãy cạnh tranh bằng chính giá và chất lượng với đường Thái Lan, khi đó sẽ không còn buôn lậu. Ông nói gì về vấn đề?

Đúng là khi không còn chênh lệch giá thì tình trạng đường lậu sẽ giảm hoặc triệt tiêu nhưng nói như thế với ngành đường Việt Nam là không am hiểu sâu về ngành mía đường Việt Nam cũng như ngành mía đường của Thái Lan và thế giới.

Tại Thái Lan, ngành mía đường có một Ủy ban quốc gia điều hành theo Luật mía đường năm 1984. Theo luật này có lập quỹ  mía đường từ tiền thuế để lại để bình ổn cho ngành. Luật mía đường quy định 3 quota A,B và C, mỗi công ty mía đường của Thái Lan đều phải có nghĩa vụ thực hiện quota A cung cấp cho nhu cầu nội địa (với giá nội địa luôn cao hơn giá XK và giá thương mại thế giới), quota B cho các hợp đồng dài hạn cung cấp quốc tế mà Thái Lan đã ký kết.

Giá mía và giá đường trong nước được Ủy ban mía đường quốc gia định để đảm bảo người nông dân có lãi (không bao giờ bị lỗ dù tình huống nào xảy ra: Thiên tai mất mùa hay thị trường thế giới chao đảo… để nông dân yên tâm trồng mía. Cuối cùng là quota C - đây là quota thặng dư, các công ty đường tự do XK, và với quota C này bán giá thấp cỡ nào họ cũng có lãi vì phần lãi chính đã được đảm bảo ở quota A và B.

Chính đường Thái Lan quota C này bản thân nó đã có ưu thế về giá mà lại nhập lậu vào Việt Nam (trốn thuế so với đường nội Việt) nên đường Việt Nam dù có hạ giá đến mức nào thì đường lậu Thái Lan cũng luôn hạ theo thấp hơn một giá để chiếm lĩnh thị trường.

Còn ở Việt Nam, giá thành đường hiện nay với cơ cấu giá nguyên liệu mía chiếm 75-80%, giá mía được mua thuộc tầm cao nhất thế giới (cao hơn khoảng 20-30%) trong khi chất lượng mía nguyên liệu thuộc loại thấp nhất thế giới (trữ đường CCS của ta xấp xỉ 10, các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc 12-13).

Do đó dù trình độ công nghệ của phần lớn các nhà máy đường hiện nay đã được đầu tư nâng cấp, nhưng giá thành vẫn còn cao hơn so với khu vực và thế giới. Đối với nông dân thì các DN mía đường hầu như phải hỗ trợ nhiều mặt như kinh phí, phân bón, mía giống, hỗ trợ công tác làm đất... để người nông dân trồng mía, nên thực tế chi phí nguyên liệu rất cao.

Vậy theo ông, ngành mía đường làm gì để phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đường lậu?

Chúng ta nên học tập kinh nghiệm từ Thái Lan, một quốc gia có ngành mía đường thuộc loại tiên tiến, có chính sách quốc gia rất tốt bằng Luật mía đường. Tôi nghĩ, vấn đề mấu chốt là nguồn nguyên liệu cần phải được cải thiện về năng suất lẫn chất lượng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa để có chính sách tốt, và điều hành như thế nào để đảm bảo người trồng mía có lãi dù bất kỳ tình huống nào xảy ra. Khi đó, nông dân mới an tâm trồng mía, các công ty mía đường mới có thể an tâm đầu tư sản xuất đường với chất lượng cao, giá thành hạ.

Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ nếu như chưa có luật mía đường như Thái Lan thì chí ít cũng có một nghị định về mía đường để chi phối hoạt động của ngành mía đường một cách tích cực để đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đăng Nguyên

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên