Làm giả hàng Việt rồi xuất khẩu
Hành vi này đang gây tổn thất, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam
“Hàng giả, hàng nhái len lỏi vào đời sống của người dân với mức độ tinh vi ngày càng cao. Công tác phòng, chống hàng giả mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ và mong mỏi của người dân” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận xét tại lễ kỷ niệm ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái do Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) tổ chức sáng 29-11 ở TP HCM.
Theo ông Trương Hoài Nam, Cục trưởng Cục QLTT, có 6 lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này: Luật còn nhiều kẽ hở để các đối tượng sản xuất - kinh doanh hàng giả lợi dụng lách luật; chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ; nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, có những người biết hàng giả nhưng vẫn mua; chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị làm giả, nhái chưa hợp tác; chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền một số địa phương, đơn vị...
Tại TP HCM, diễn biến hàng lậu, hàng kém chất lượng phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành hàng và đặc biệt nở rộ dịp cuối năm. Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, địa bàn kinh doanh hàng giả tập trung ở các quận nội thành như 1, 5, 6 và các trung tâm mua bán lớn. Thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ phổ biến hiện nay là dùng hàng kém chất lượng hoặc nguyên liệu rẻ tiền (chủ yếu từ Trung Quốc) để pha trộn hàng thật. Đặc biệt, xuất hiện sản xuất hàng giả, hàng nhái với quy mô công nghiệp, có tổ chức dưới danh nghĩa các công ty hàng xuất khẩu theo hợp đồng gia công.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, báo động tình trạng hàng giả, hàng nhái bị phát hiện ngày càng nhiều ở biên giới. Mới đây, ở biên giới phía Bắc, lực lượng hải quan phát hiện đường dây chuyên buôn bán dược liệu số lượng lớn. Song song đó, một loạt vụ liên quan đến vi phạm nhãn hiệu hàng hóa sữa, thực phẩm chức năng, rượu, bia, thuốc bảo vệ thực vật cũng được hải quan phát hiện.
Cơ quan chức năng còn phát hiện doanh nghiệp nước ngoài cấu kết với doanh nghiệp trong nước làm giả hồ sơ, xuất xứ mang nhãn hiệu Việt Nam để xuất sang các thị trường hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. “Một khi hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu bị cơ quan thực thi của nước nhập khẩu phát hiện, xem xét điều tra về bán phá giá sẽ gây tổn thất, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam” - ông Nguyễn Văn Cẩn cảnh báo.
Tăng xử lý hình sự Theo ông Truơng Hoài Nam, tại nhiều nước trên thế giới, pháp luật không quy định các biện pháp hành chính nhằm xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngoại trừ biện pháp kiểm soát ở biên giới. Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa hiệu quả vì chủ yếu áp dụng biện pháp hành chính, biện pháp hình sự ít được áp dụng. Trong điều kiện hiện tại, việc xử lý vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, hình sự là rất cần thiết. Từ khi có luật sở hữu trí tuệ đến nay, số vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ tòa án đưa ra xét xử chỉ vài trăm vụ trong khi các lực lượng hữu quan xử lý hàng chục ngàn vụ. |
Theo Đông Nghi