Lịch 2014: Chờ ngày giảm giá
Thị trường lịch 2014 đã thực sự vào mùa với mẫu mã, kích thước, chất liệu đa dạng. Tuy nhiên, sức mua lẻ lịch Tết năm nay giảm mạnh.
- 24-12-2013Thị trường lịch TP.HCM ảm đạm trước thềm năm mới
- 09-12-2013Lịch block giảm giá giữa ngày cao điểm
- 01-12-2013Thị trường lịch Tết 2014: Sẽ “sốt” vào cuối năm?
Chất lượng tăng, sức mua giảm
Từ tháng 9, thị trường lịch 2014 đã rục rịch vào mùa. Nhiều con phố ở Hà Nội như Đinh Lễ, Tràng Tiền, Tây Sơn, Giảng Võ,… treo đỏ lịch Tết vào thời điểm này. Mẫu mã, hình ảnh lịch 2014 khá bắt mắt . Ngoài các chủ đề truyền thống như trà đạo, thư pháp, phong thủy, biệt thự, thiếu nữ, duyên dáng Việt Nam,… còn có nhiều mẫu mới, đặc biệt như 365 ngày nuôi dưỡng tâm hồn, Sống đẹp mỗi ngày, hoặc những hình ảnh về ngựa,…
Đặc biệt, có bộ lịch “Biển đảo quê hương” gồm 365 hình ảnh về biển đảo. Dưới mỗi hình là những câu thơ thể hiện tình yêu quê hương. Kích cỡ, chất liệu lịch cũng đa dạng: lịch bàn, lịch tờ, lịch trung, lịch đại, siêu cực đại,… in cả trên lụa, thẻ tre.
Tuy nhiên, sức mua lẻ lịch Tết năm nay giảm mạnh. Những ngày cuối tháng 12 này, những cửa hàng lịch trên các phố Tràng Tiền, Đinh Lễ khá đông khách, song người mua ít, người xem lịch là chủ yếu. Các hàng lịch trên đường Xuân Thủy, Giảng Võ vắng hoe. Thị trường lịch ảm đạm, ế ẩm là nhận xét chung của các chủ cửa hàng lịch và khách hàng.
“Mọi năm, đến thời điểm này là mấy cửa hàng ở Đinh Lễ đã chen chúc người tới mua lịch. Năm nay lại yên ắng”, anh Hùng, nhân viên Công ty Phát hành sách Group Par nhận xét. Chủ hiệu sách ngoại văn (64 Tràng Tiền) cho biết: “Lịch 2014 bán rất chậm. Bằng giờ mọi năm đã bán được một nửa số lịch nhập về rồi. Năm nay 1/4 cũng khó”.
Tại hiệu sách 17 Đinh Lễ, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 100 quyển lịch. Số lượng này chỉ bằng 2/3 so với cùng kì năm ngoái. Người mua chủ yếu chọn loại lịch trung, lịch đại, với các giá bình dân như 50.000 đồng, 80.000 đồng, 100.000 đồng. Trung tâm sách Hà Nội (4 Đinh Lễ) năm nay lấy về lượng lịch chỉ bằng 1/3 mọi năm, chủ yếu là loại có giá 200-300 nghìn đồng.
Chị Thiên Hương, chủ trung tâm cho hay: “Mình bán đến đâu, mua đến đấy thôi, không dám mua nhiều vì năm nay ế lắm”. Thị trường lịch khởi động từ hơn 2 tháng trước, nhưng tới đầu tháng 12, chị Hương mới nhập lịch về. Các chủ cửa hàng lịch vẫn hi vọng thị trường lịch sẽ sôi động hơn trong tháng 1.
Đắn đo trước giá lịch
Kinh tế khó khăn, túi tiền eo hẹp là nguyên nhân chính khiến người dân đắn đo khi mua lịch. Lịch giá 200-500 nghìn đồng/bộ chủ yếu được mua làm quà biếu, tặng. Khách mua lịch treo trong nhà chỉ chọn giá dao động trong khoảng 35-160 nghìn đồng. Tại một cửa hàng lịch trên đường Giảng Võ, chiều 28/12, chúng tôi để ý chỉ có chưa tới chục người mua lịch. Lịch chọn mua đều là loại cỡ trung và cỡ đại có giá dưới 100.000 đồng. Nhiều khách ở các cửa hàng khác chỉ mua lịch bàn do đã được biếu lịch treo tường.
Sau khi hỏi hai loại lịch có giá trên 250 và 220 nghìn đồng, chị Phạm Thị Ngân (34 tuổi), một khách mua hàng kêu lên: “Đắt thế. Lịch cũng chỉ để treo rồi xé thôi mà!”. Sau một hồi chọn lựa, chị Ngân mua một bộ lịch giá 65.000 đồng. Một khách hàng khác, ông Nguyễn Quốc An (65 tuổi) cho biết, năm nào ông cũng đi xem lịch, nhưng thường chờ tới khi các cửa hàng lịch giảm giá ông mới mua.
Giá lịch tăng nhẹ khiến người tiêu dùng cũng e dè khi chọn lịch. Bloc trung có giá tăng thêm 4.000-5.000 đồng/bộ. Bloc cực đại và siêu cực đại tăng giá khoảng 5-10% so với năm ngoái. Ngoài ra, sức mua lịch giảm còn do tình cảnh nhiều lịch giá thấp không còn thịnh hành, những lịch được ưa chuộng lại có giá quá cao.
Chị Thiên Hương, chủ Trung tâm sách Hà Nội cho biết, năm nay giảm mạnh lượng đặt hàng lịch treo tường loại lò xo, 12 tờ, dùng để biếu, tặng. Đó là do không còn nhiều đơn vị, tổ chức có nhu cầu quảng bá thương hiệu trên lịch. Những lịch chất lượng cao, nội dung giàu giá trị văn hóa, lịch sử như bộ lịch “Sống đẹp mỗi ngày”, “Biển đảo quê hương” lại chỉ có kích cỡ cực đại, siêu cực đại. Với giá 500-800 nghìn đồng, những bộ lịch này vượt quá sức mua của người dân
Theo Quỳnh Vũ