Lỗ hổng... hàng xách tay
Thông thường sẽ không có chuyện hàng “xách tay” lại có thể về ùn ùn với số lượng lớn cho cửa hàng lớn, cửa hàng bé, trong nhà, ngoài phố, trên mạng rao bán như vậy.
Tấm biển “hàng xách tay”, dù treo to đẹp đàng hoàng tại một cửa hàng lớn trên phố lớn hay nhỏ bé, khiêm tốn lấp ló ở đâu đó trong những ngõ nhỏ, nhà cao tầng, hay hiển hiện khắp mạng internet... đều được khách hàng ngầm hiểu đây là hàng NK, được nhập (xách tay) theo tiêu chuẩn hành lý của người XNC từ nước ngoài về (hoặc theo tiêu chuẩn của cư dân biên giới).
Hiểu nôm na là hàng không phải nộp thuế NK nên giá có mềm hơn, lại đúng là hàng “xịn” từ nước ngoài sản xuất. Về phía người bán đương nhiên là sẽ chứng minh, quảng cáo đây là hàng “xịn”, được “xách tay” về với giá rẻ hơn hàng chính hãng. Vậy nên các cửa hàng này luôn đông khách, lượng hàng hóa tiêu thụ rất lớn, thậm chí lớn hơn cả những cửa hàng bán hàng NK chính hãng.
Theo quy định, hàng hóa đi theo hành lý xách tay của hành khách XNC, hay hàng hóa thuộc tiêu chuẩn cư dân biên giới đều có hạn định nhất định, không phải muốn mang theo bao nhiêu thì mang, và không phải hàng hóa gì cũng được xem là “hành lý” để được ngang nhiên NK và không phải nộp thuế. Việc hành khách mang theo hành lý quá tiêu chuẩn (hàng thuộc diện được phép NK và đối với một số lượng nhất định theo quy định) sẽ bị cơ quan kiểm tra chức năng kiểm soát và thu thuế.
Vậy nên thông thường sẽ không có chuyện hàng “xách tay” lại có thể về ùn ùn với số lượng lớn cho cửa hàng lớn, cửa hàng bé, trong nhà, ngoài phố, trên mạng rao bán như vậy. Kể cả hàng do các đối tượng thường xuyên XNC như tiếp viên hàng không hay du học sinh đi học ở nước ngoài thì số lượng mang theo cũng không được nhiều.
Một vấn đề được đặt ra là vì sao những cửa hàng này lại ngang nhiên xuất hiện khắp nơi, bày bán hàng công khai như vậy. Nhan nhản trên mạng đã đành, rất nhiều phố, ngõ xuất hiện các cửa hàng trưng biển “hàng xách tay” thậm chí Hà Nội còn có cả một phố bán hàng xách tay.(?)
Rõ ràng theo quy định, cơ quan quản lý đã có đủ lý do để “ngó” đến những cửa hàng này. Nếu là hàng NK theo tiêu chuẩn hành lý của hành khách XNC thì hàng phải có giấy ký gửi bán hàng của khách hàng và quan trọng sẽ không thể có nhiều hàng để bày bán như vậy. Nếu là hàng NK thì phải có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc NK. Tin chắc kiểm tra kỹ ra, không phải cửa hàng nào cũng có đủ các giấy tờ này. Nếu hàng trốn thuế thì phải truy thu thuế, thậm chí tịch thu hàng hóa xử phạt theo quy định.
Mà nếu là hàng có đủ hóa đơn chứng từ, thì việc trưng biển “hàng xách tay” xem ra là lừa dối khách hàng ít nhất là ở mặt quảng cáo, sau nữa, quan trọng hơn đó là việc lừa dối bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Bởi thực tế nếu là hàng “xịn” được NK đường đường, chính chính thì không bao giờ có giá bán rẻ hơn giá bán tại nước sản xuất. Vì đây hầu hết là hàng tiêu dùng, có mức thuế NK cao.
Vậy nên cơ quan quản lý đang để “hổng” vấn đề này.
>>> Hàng xách tay len lỏi khắp phố
Theo H.P