Mập mờ cơ chế nhập đường
Hàng năm Bộ Công Thương theo cam kết WTO vẫn cấp quota nhập hàng trăm ngàn tấn đường về nước khiến cho cả ngành mía đường và người trồng mía rơi vào thua lỗ và có nguy cơ… phá sản.
Một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi nhiều DN sản xuất đường trong nước còn chật vật gặp khó với lượng đường tồn kho đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức 350.000 tấn trong khi vụ mía mới 2014 - 2015 đã khởi động.
Điều bí ẩn trong cơ chế nhập khẩu đường mà theo ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN (VSSA), đồng thời là Tổng Giám đốc Cty CP Đường Khánh Hòa cho biết: “Đã nhiều năm nay, kiến nghị của VSSA về việc cho đấu thầu đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không cơ chế “xin - cho” trong khi Bộ Công Thương vẫn bảo lưu áp dụng biện pháp phân giao”?
Ông Liêm bức xúc: “Cơ chế của các bộ, ngành vẫn rất khó hiểu. Mỗi năm nhập khẩu bao nhiêu, ai được cấp quota đều là bí mật, VSSA không được thông báo và hay biết. Do đó, rất khó để nắm bắt và giải quyết được những rối loạn của thị trường”. Cũng theo tính toán của ông Liêm, chỉ cần được giao quota nhập 20.000 tấn đường, đã có thể thu lợi nhuận khủng từ việc ăn chênh lệch giữa giá nhập khẩu với giá đường trong nước.
Lý giải cho vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho rằng, Bộ không tổ chức đấu thầu vì phương thức đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường không có trong điều khoản ký kết giữa VN với các nước thành viên của WTO nên chưa thể áp dụng được.
Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng, Bộ Công Thương chỉ “nói miệng” vì ông chưa thấy tài liệu chính thức. Ông này khẳng định: “Nhiều nước trên thế giới vẫn cho đấu thầu đường khi nhập khẩu. Một vấn đề nữa mà Bộ Công Thương đưa ra “người thụ hưởng đường nhập khẩu theo hạn ngạch là người sử dụng cuối cùng - tức DN sử dụng đường làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm khác. Điều này càng không đúng vì không mua, không bán mới là người sử dụng cuối cùng”.
Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế, dù ngành mía đường liên tục cảnh báo trước lượng đường sản xuất sẽ dư thừa và đề xuất nên có một cơ chế minh bạch trong nhập khẩu đường trong lộ trình cam kết WTO, để giải phóng lượng dư này nhưng cho đến nay, Chính phủ cũng như các bộ, ngành vẫn chưa xây dựng được một cơ chế, chính sách linh hoạt nào cho ngành hàng này. Điều này đã làm kìm hãm sức tăng trưởng của ngành.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA đưa ra 3 phương án. Thứ nhất, Bộ Công Thương nên tổ chức đấu thầu toàn bộ hạn ngạch nhập khẩu đường các loại trong năm 2014, giá trị thu được do chênh lệch sẽ đưa về ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, trên cơ sở phân giao của Bộ Công Thương giao 40.000 tấn đường thô cho Bộ NN-PTNT quyết định chọn nhà nhập khẩu và tổ chức đấu thầu phần hạn ngạch còn lại này cho rộng rãi các nhà máy đường cả nước.
Thứ ba, trên cơ sở phân giao hạn ngạch nhập khẩu của Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp-PTNT cân nhắc quyết định giao hạn ngạch nhập khẩu đường thô cho các nhà máy có khả năng luyện đường trong nước.
VSSA cũng đề nghị Bộ cần có tiêu chí cụ thể minh bạch để hạn chế các tiêu cực của việc “xin - cho”, tránh sự phân biệt đối xử, sự chia rẽ trong cộng đồng các DN sản xuất đường cả nước.
>>>Chênh lệch giá đường bất thường: Nghịch lý từ... nhà máy