Nâng giá vé ngày thường để tăng vé tết
Năm nay, chiêu tăng giá vé xe tết một cách vô cùng... hợp lệ được hàng loạt các nhà xe thực hiện là kê khai tăng giá vé ngày thường, từ đó đẩy giá vé xe tết lên cao ngất.
Quyền lợi hành khách tiếp tục bị... tước đoạt!
Đồng loạt kê khai tăng giá vé
Có lẽ, ở đợt bán vé xe tết tại bến xe Miền Đông (BXMĐ) năm nay, hãng xe Thuận Thảo (chuyên chạy tuyến miền Trung) là đơn vị đầu tiên triển khai. Và chỉ sau bốn ngày bán vé, tới ngày 17.11, hãng xe Thuận Thảo đã gần như không còn vé tết trong các ngày cao điểm. Để khai thác tốt nhất lợi thế “khan vé”, từ đầu tháng 11 đã có gần chục hãng xe thương hiệu đang kinh doanh ở BXMĐ đã tính tới chiêu bài tăng giá vé ngày thường để “tạo đà” tăng vé tết.
Cụ thể, hãng xe C.N có tuyến đi TP.HCM – Quảng Ngãi, vừa quyết định điều chỉnh tăng 20.000 đồng đối với ghế ngồi cũng như giường nằm. Tương tự, hãng xe H.L cũng vừa điều chỉnh giá vé hàng loạt tuyến đi Tây Nguyên. Ngoài ra, cả chục nhà xe đã hoàn tất và gửi hồ sơ xin tăng vé ngày thường. Hầu hết đều áp dụng tăng giá vé cận ngày 15.12 âm lịch – thời điểm bắt đầu phục vụ tết 2014.
Các doanh nghiệp lý giải, tăng giá để bù đắp chi phí do giá xăng dầu và lệ phí cầu đường tăng, đường sá xấu, đi lại khó khăn dẫn đến chi phí hao mòn tăng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, một hành khách đang ráo riết “săn” bốn vé xe cho cả nhà về Quảng Ngãi, lại cho rằng: “Họ tăng giá vào dịp cận tết chỉ nhằm đẩy giá vé xe tết lên cao nhất mà thôi”.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu quy định hiện hành không cho phép. Theo quy định, trong dịp tết, các nhà xe được điều chỉnh tăng giá vé từ 20 – 60% tuỳ theo tuyến đường. Dựa vào quy định giá vé tăng được tính từ giá vé ngày thường niêm yết trong thời gian gần nhất, nên giờ doanh nghiệp chỉ cần tăng thêm 20.000 đồng thì giá vé xe tết của các hãng làm chiêu đã móc túi hành khách hơn 30.000 đồng (đó là chưa kể phần thêm 60% phục vụ tết).
“Biết là chiêu nhưng vẫn chính đáng”
Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc BXMĐ, thừa nhận đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở bến xe này đăng ký tăng giá vé ngày thường. Từ nay đến cận ngày phục vụ tết sẽ có khoảng 70% doanh nghiệp kê khai tăng giá vé trung bình từ 11 – 12%.
“Kê khai giá ngày thường là quyền của doanh nghiệp, vì thế, chúng tôi hay các cơ quan chức năng đều không có ý kiến gì được khi doanh nghiệp làm đúng thủ tục”, ông Hải nói. Theo ông, số vé xe tết hãng xe Thuận Thảo đã bán cho hành khách bao gồm cả giá vé ngày thường đã được kê khai tăng, cộng với tiền phụ thu 20 – 60% vé tết.
Dù biết đó là “chiêu” của nhà xe nhưng ông Hải vẫn cho rằng, đó cũng là quy luật cung cầu. Ngày thường, do cạnh tranh gay gắt nên nhiều doanh nghiệp phải hạ giá để giành khách, nhiều doanh nghiệp bán vé dưới giá thành (giá chi phí – NV) để duy trì hoạt động. Vì thế, ông Hải cho rằng: “Ngày tết khách tăng thì việc kê khai lại giá cũng chính đáng”. Theo vị lãnh đạo BXMĐ này, giá xe có tăng cỡ nào đi nữa vẫn rẻ hơn vé đường sắt.
Cần sự điều tiết chung!
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác lại rằng, phân tích trên xem ra có lý nhưng không thể vì thế mà các cơ quan chức năng làm ngơ để doanh nghiệp lách luật. Hành khách Nguyễn Hoàng Minh đưa ra ý kiến, cách tốt nhất để tính phụ thu giá vé ngày tết nên dựa theo giá vé ngày thường được bán trong thời gian dài nhất trong năm.
Giả dụ, nên xác định giá vé ngày thường của doanh nghiệp từ giá vé đã được ấn định ổn định trong khoảng bảy tháng liền để tính phụ thu giá vé trong ngày tết thì hợp lý hơn. Còn cách kê khai như kiểu của các nhà xe nói trên thực ra là trục lợi. “Đã cố tình làm giá trục lợi thì không thể nói là chính đáng được, dù anh có nêu ra bất kỳ lý do gì đi nữa”, ông Nguyễn Hoàng Minh, bức xúc.
Ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn từng cho rằng, để giá vé tàu và xe đều hạ trong dịp tết, ngành giao thông phải tính toán chuyện dồn xe chạy tuyến gần còn tàu chạy tuyến xa. Khi đó, các tuyến gần sẽ không thiếu xe, và tàu cũng đủ khả năng vận chuyển các tuyến xa mà không để hành khách phải rơi vào cảnh khan hiếm vé.
Theo Đào Lê