Nếu sản xuất manh mún, hàng Việt sẽ khó chen chân vào siêu thị
Mặc dù tỷ lệ hàng Việt Nam đang chiếm áp đảo tại các siêu thị, nhưng nếu không có sự kết nối từ sản xuất đến phân phối, lưu thông nhằm tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín thì nhiều sản phẩm, nhất là nông lâm thủy sản sẽ khó chen chân vào được vào kênh bán lẻ hiện đại.
- 31-07-2015Hàng Việt xuất ngoại qua siêu thị
- 29-07-2015Hàng Việt chưa vào được siêu thị, gỡ nút thắt từ đâu?
Đây là một trong những ý kiến được nêu ra trong chương trình Tự hào hàng Việt "Từ sản xuất tới siêu thị", do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội.
Điểm qua những thành tích đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015 về thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hiện có 93% người tiêu dùng đã quan tâm và biết đến Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", 60% người tiêu dùng cam kết sẽ sử dụng hàng Việt Nam, 54% người tiêu dùng khuyến khích người thân dùng hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp muốn kết nối đưa các sản vật nhất là nhóm nông lâm sản mang tính đặc trưng vùng miền của địa phương vào kênh siêu thị nhưng lại gặp khó khăn do thiếu một quy trình mang tính bài bản.
Trao đổi với phóng viên về chương trình hàng Việt, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm cho biết, trong quá trình kết nối thị trường, người nông dân cũng rất mong muốn được tiêu thụ sản phẩm của mình, nhưng từ mong muốn đến thực hiện vẫn còn khoảng cách khá xa.
Cụ thể, theo ông Thành, do sản xuất còn manh mún và thời vụ nên nhiều sản phẩm có chất lượng không đồng đều. Trong khi đó, hàng hóa muốn vào siêu thị thì phải đáp ứng một loạt các tiêu chí, từ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu rồi chứng nhận an toàn thực phẩm...
"Với bà con nông dân thì đây là vấn đề rất khó khăn. Một số sản phẩm nổi tiếng và chất lượng cao ai cũng biết đến nhưng chưa qua việc chỉ dẫn địa lý, chưa quảng bá sản phẩm trên thị trường thì rất khó tiêu thụ," ông Thành nói.
Đồng quan điểm trên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, việc thiếu vắng nhiều sản phẩm nội trong các siêu thị là do tập quán sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều hàng hóa sản xuất ra vẫn chưa có bao bì khẳng định thương hiệu, đã gây khó khăn cho việc đưa vào hệ thống siêu thị.
Không những thế, một số sản phẩm còn chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VIETGAP, thậm chí là không theo tiêu chuẩn ISO nào cả nên về cảm quan có thể là hàng ngon, hàng đẹp nhưng lại không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận hàng lại không thể ký kết được.
Đứng ở góc độ vĩ mô, ông Phú cũng thẳng thắn cho rằng, về phía các siêu thị, vẫn còn một số doanh nghiệp yêu cầu chiết khấu quá cao dù hàng hóa đã đạt tiêu chuẩn, điều này làm giá cả đội lên, người sản xuất không chịu được nên bán ra ngoài, bán lẻ.
Trước thực tế trên, để hàng Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, ông Phú đề xuất nhà nước phải tổ chức các vùng sản xuất theo quy trình VIETGAP và cấp chứng chỉ cho sản phẩm để từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời tạo ra nhiều hành lang pháp lý cho doanh nghiệp kết nối với người nông dân nhằm bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy cách đóng gói bao bì và có địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hàng hóa đó.
"Liên kết giữa sản xuất và siêu thị còn kém trong khi sản xuất lại manh mún, cơ chế sản xuất và cơ chế phân phối còn chưa phù hợp do vậy nhà nước phải xây dựng thêm luật, nhất là luật bán lẻ, luật cạnh tranh phải rõ ràng," Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội kiến nghị./.
Vietnam+