Người trong cuộc phân bua ôtô Việt Nam "thua" Campuchia vì...
Nhiều lý giải của người trong cuộc cho thấy vì sao ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam teo tóp dần và chưa tìm ra đường đi cho mình.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Quang Tâm, Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho rằng: Ngay cả các nhà làm chính sách còn chưa thống nhất, 5 năm qua mà Bản chiến lược vẫn còn là dự thảo thì sao nói đến chuyện phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Không bất ngờ
PV: - Mới đây, Campuchia tung ra thị trường sản phẩm ôtô điều khiển bằng smartphone. Cùng với sự lớn mạnh của Indonesia, Thái Lan thì ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã tụt quá xa. Trong khi đó Việt Nam bulong, ốc vít cũng phải đi nhập.Ông có bất ngờ không?Phải lý giải điều này như thế nào?
Ông Vũ Quang Tâm: - Tôi có nắm được thông tin này và cũng không có gì bất ngờ.
Thời gian vừa qua một số phương tiện thông tin truyền thông của chúng ta có đưa tin về việc Campuchia đã SX được xe ô tô điều khiển bằng smartphone với giá khoảng 5.000 USD đây chỉ là chiếc xe SX đơn chiếc, chạy động cơ điện.
Trên thế giới gần đây các nhà SX ô tô cũng đang chú trọng đến việc phát triển các dòng xe mới tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường trong đó có dòng xe ô tô sử dụng động cơ điện. Sự kiện này cũng cho thấy sự mạnh dạn của người Campuchia trong việc phát triển các mẫu xe mới trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Campuchia có thể nói chưa bằng Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Trong những năm vừa qua công nghiệp ô tô của Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đang phát triển nhưng ở mức độ và cách làm khác nhau. Chỉ nhìn qua doanh số bán xe của 2 nước này những năm gần đây so với nước ta thì cũng dễ dàng nhận thấy công nghiệp ô tô của họ đi trước chúng ta một bước khá xa.
Ví dụ năm 2013 Thái Lan bán ra 2,3 triệu ô tô; Indonesia khoảng 1,2 triệu chiếc, còn ở Việt Nam năm 2013 được xem là sáng sủa với ngành ô tô với mức tăng trưởng 19% doanh số cũng chỉ đạt khoảng 110.000 xe, chưa bằng số lẻ của Indonesia và Thái Lan.
Không chỉ quy mô nhỏ, thị trường ô tô Việt nam còn là thị trường phân tán với sự tham gia của rất nhiều các thương hiệu, có thể nói rằng hầu như có mặt đầy đủ các thương hiệu ô tô lớn nhỏ đến từ châu Âu, châu Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc và Trung Quốc.
Tình trạng phân tán nhỏ lẻ như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngành ô tô và ngành sẽ dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn: sản lượng nhỏ thì không tập trung SX và đầu tư bài bản theo chiều sâu được mà không đầu tư thì sẽ không phát triển và SP không đủ sức cạnh tranh.
Nước ta với dân số hơn 90 triệu người và một nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ người sử dụng ô tô còn thấp thì thị trường ô tô Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng.Tuy nhiên để biến tiềm năng này thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải làm.
Ngành công nghiệp ô tô bao gồm 02 lĩnh vực chính: lĩnh vực SX, lắp ráp ô tô và lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ngành công nghiệp SX ô tô Việt nam đã có hơn 20 năm hình thành và phát triển song mới chỉ phát triển theo chiều rộng với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia, chứ chưa có những đầu tư chiều sâu về công nghệ, máy móc, và con người.
Trong lĩnh vực SX, lắp ráp ô tô chúng ta chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô-tô thật sự bởi mới ở mức độ lắp ráp, với dây chuyền SX chủ yếu mới dừng lại ở hàn, sơn và lắp ráp chưa có sự tham gia của bộ phận dập và nghiên cứu phát triển (đây là hai bộ phận rất quan trọng trong lĩnh vực SX, lắp ráp ô tô), còn ngành công nghiệp phụ trợ cũng mới chỉ làm được các chi tiết đơn giản có hàm lượng công nghệ không cao, sản lượng thấp.
Việt Nam: 5 năm 'thai nghén' chưa có bản Chiến lược chính thức
PV: - Ông nói rằng nhu cầu của Việt Nam lớn và thị trường được đánh giá là tiềm năng vậy vì đâu lại có sự ảm đạm như vậy?
Ông Vũ Quang Tâm: - Nguyên nhân thì có nhiều, từ chủ trương chính sách đến định hướng đầu tư phát triển của các nhà SX. Bản thân các nhà làm chính sách cũng chưa có sự thống nhất trong đường lối, chủ trương phát triển ngành ô tô Việt Nam, các chính sách thiếu tính ổn định chưa đủ dài và hấp dẫn để khuyến khích các nhà SX đầu tư phát triển.
Kết quả là đến nay Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vẫn dang trong giai đoạn dự thảo, xây dựng mà chưa được ban hành.
Bên cạnh dó thị trường nhỏ, phân tán thiếu dịnh hướng và các chính sách phù hợp, nhất quán đã làm nản lòng các nhà SX, họ không dám đầu tư theo chiều sâu để phát triển năng lực trong cả lĩnh vực SX lắp ráp lẫn lĩnh vực công nhiệp phụ trợ. Kết quả là sản phẩm làm ra thiếu tính cạnh tranh. Trong khi đó người tiêu dùng Việt Nam cũng không được tạo điều kiện tốt khi khi mua xe và sử dụng xe đặc biệt là đối với dòng xe du lịch
PV: - Thực tế giá xe ô tô của Việt Nam đang rất cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Vậy theo ông vì lý do gì?
Ông Vũ Quang Tâm: - Giá xe ô tô của Việt Nam cao là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Trước hết là tác động của các chính sách như thuế và phí (trong đó cả thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt).
Tiếp đó là ảnh hưởng của yếu tố thị trường: thị trường ô tô của nước ta hiện nay là một thị trường nhỏ, phân tán, chưa có các chính sách, điều kiện phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích người sử dụng xe ô tô nhằm đẩy mạnh thị trường nâng cao doanh số và cuối cùng là sự hạn chế về năng lực sản xuất của ngành ô tô bao gồm cả lĩnh vực sản xuất lắp ráp và công nghiệp phụ trợ dẫn đến không thể làm ra được sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bích Ngọc