MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm: Nan giải kiểm soát

20-09-2013 - 14:03 PM |

Dân buôn lậu dùng đủ mánh khóe để đối phó cơ quan chức năng, trong khi đó việc quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở lại chồng chéo, không rõ trách nhiệm.

Chuyện kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Đủ kiểu đối phó

Với gần 80% lượng rau củ quả, thịt, cá các loại được cung ứng từ nhiều tỉnh, cùng muôn vàn cơ sở chế biến thực phẩm sạch, bẩn; các cơ sở sản xuất bán hóa chất phụ gia; TPHCM là nơi hứng nhiều nhất thực phẩm mất an toàn vệ sinh.

Qua thống kê của Chi cục Thú y TPHCM, từ đầu năm đến nay đơn vị này phát hiện và xử phạt lên tới cả trăm vụ vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ… Lãnh đạo chi cục cho biết hình thức vận chuyển thịt bẩn ngày càng tinh vi. Việc trốn tránh kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ngày càng tăng. Đó là chưa kể, các loại thịt bẩn hiện được vận chuyển trên xe du lịch, xe khách chất lượng cao nên khó phát hiện.

Để vận chuyển hàng lậu trót lọt, các đầu nậu thường tổ chức tập kết hàng bên kia biên giới, thuê người dân địa phương vận chuyển qua các đường mòn, lối mở biên giới, cánh gà cửa khẩu rồi đưa vào các điểm tập kết gần biên giới, nhà dân hoặc trong rừng nhằm cất giấu, nuôi giữ tạm thời, khi có cơ hội sẽ vận chuyển tới các tỉnh thành sâu trong nội địa và đưa vào các chợ đầu mối để tiêu thụ.

Thậm chí, tại các điểm “nóng”, khi lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn thường xuyên, dùng dây thép gai rào kín các đường mòn thì đối tượng buôn lậu lại mở thêm nhiều đường mòn khác, rồi thuê cửu vạn là người dân địa phương gánh hàng lậu qua biên giới.

Không chỉ có vậy, để đối phó với những biện pháp ngăn chặn quyết liệt của các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh nào. Thậm chí bọn chúng sử dụng cả xe hơi hạng sang để vận chuyển.

Nhiều cán bộ công an ở Lạng Sơn và Cao Bằng cho biết, để canh chừng các hoạt động của lực lượng chống buôn lậu, nhiều đầu nậu còn thuê đội ngũ “do thám” là người địa phương ăn chực nằm chờ, thậm chí thuê nhà ở ngay sát trụ sở của công an, hải quan hay quản lý thị trường… để theo dõi động tĩnh, nhằm kịp thời cảnh báo cho bọn buôn lậu.

Bọn buôn lậu còn chia nhỏ các cung đường vận chuyển hàng cho nhiều đối tượng khác nhau nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi bắt giữ khó truy tìm được chủ lô hàng thực sự. Nguy hiểm hơn, có không ít vụ công an phát hiện xe chở gà, vịt, thực phẩm lậu trên đường, tổ chức đội hình chặn bắt nhưng đối tượng bất chấp nguy hiểm không chịu dừng xe mà còn lao thẳng vào xe công an hòng bỏ trốn…

Quản lý chồng chéo

Theo Sở Y tế TPHCM, hàng năm cơ quan này thanh tra, kiểm tra và phát hiện hàng trăm mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm có hàn the, nhất là giò chả; bột ớt, hạt dưa chứa Rhodamine B vượt chuẩn cho phép; nhiều mẫu đồ khô, mứt, dưa muối, bánh bao, phô mai, sữa tiệt trùng… cũng có sử dụng chất phụ gia hoặc nhiều chất phụ gia cùng lúc với mức sử dụng quá giới hạn cho phép tới cả chục lần…

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, hóa chất phụ gia do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 5% thị trường, còn lại là nhập khẩu và nhập từ Trung Quốc chiếm tới 30%. Có nhiều loại hóa chất phụ gia nhập lậu mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được.

Còn GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Trung tâm Kiểm nghiệm sắc ký TPHCM, lo ngại hiện nay người ta mua hóa chất phụ gia còn dễ hơn mua kẹo. “Thực phẩm có hóa chất thường bắt mắt, ngon thơm nhưng dùng quá liều lượng sẽ tàn phá sức khỏe, gây bệnh tật”, GS Chu Phạm Ngọc Sơn băn khoăn. Thế nhưng, xét về mặt quản lý hóa chất phụ gia đang có tình trạng “cha chung không ai khóc”: Quản lý kinh doanh thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường; quản lý đặc tính mặt hàng lại thuộc Sở Y tế và hóa chất công nghiệp thì liên quan tới chức năng của Sở Công thương.

Sở Công thương TPHCM cũng được phân cấp quản lý 8 ngành nghề cụ thể, gồm: rượu - bia; nước giải khát; sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm… Tuy nhiên, qua vụ bún, phở, hủ tiếu “ngậm” chất phát sáng cho thấy giữa Sở Công thương và Sở Y tế đang có những chồng chéo trong quản lý thực phẩm.

Cơ quan Thú y vùng VI (Bộ NN-PTNT) cũng cảnh báo một số công ty không nhập thịt thẳng về TPHCM mà đưa về các tỉnh, sau đó tuồn vào TPHCM vì năng lực kiểm soát của các tỉnh còn hạn chế. Không loại trừ nhiều trường hợp nhập khẩu các phụ phẩm động vật về làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại sử dụng cho người.

Bên cạnh đó, lượng nông sản, thủy hải sản đưa về TPHCM tiêu thụ cũng không ít. Riêng tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn, mỗi ngày tiêu thụ cả ngàn tấn thủy sản, rau củ các loại. Tuy nhiên, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không dễ.

“Khi rau về chợ đầu mối, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra nhưng đến khi có kết quả phát hiện rau bẩn thì chủ hàng đã phân phối hết rồi”, một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM cho biết.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM, hàng hóa nông sản từ các tỉnh và hàng nhập khẩu về TPHCM tiêu thụ khoảng 80%, do đó gặp không ít khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc kiểm tra nhanh và lấy mẫu ngẫu nhiên chưa mang tính khả thi để kiểm soát được 100% chất lượng nông sản thực phẩm.

Có thể thấy, lâu nay công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất lỏng lẻo, không thường xuyên. Việc kiểm tra hầu như chỉ tập trung vào những chợ đầu mối, chợ trung tâm còn những chợ tạm, chợ ở vùng quê thì rất hiếm khi thấy các đoàn kiểm tra đến hỏi thăm.

Tại hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm mới đây do Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại các giải pháp vẫn cũ mèm và thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, về cơ bản UBND TPHCM đã chủ trương triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm từ gốc. Theo đó, đến năm 2015 hy vọng sẽ kiểm soát được khoảng 50% lượng thực phẩm tiêu thụ tại TPHCM.

 

Tăng cường kiểm tra khoai tây nhập khẩu

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng, cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra, lấy mẫu phân tích dư lượng chất BVTV trong khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt. Đây là hoạt động nhằm kiểm soát thực phẩm độc hại nhập về, đội lốt Đà Lạt rồi tung ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng. Theo khảo sát của PV Báo SGGP, sau vụ phát hiện, tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng độc chất vượt ngưỡng 16 lần vào giữa tháng 6 vừa qua, tình trạng nhập khoai tây Trung Quốc nhập về đội lốt khoai tây Đà Lạt vẫn tiếp diễn.

Tiêu hủy khoai tây nhiễm độc ở Đà Lạt

Trong 9 tháng đầu năm 2013, Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng đã thu thập, phân tích 2.204 mẫu nông sản và phát hiện 82 mẫu có dư lượng chất BVTV vượt ngưỡng an toàn. Đáng chú ý là tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trên cây dâu tây tại Đà Lạt diễn ra khá phổ biến, vì loại cây này thường mắc nhiều loại bệnh, nhất là tuyến trùng và nấm gây thối rễ vào mùa mưa. Theo khuyến cáo, thời gian cách ly (lúc phun thuốc đến lúc thu hoạch nông sản) là 7 ngày nhưng nông dân thường phun thuốc xong 2-3 ngày là thu hoạch, nên dư lượng thuốc BVTV trong trai dâu còn cao.

Nam Viên 

 

Theo nhóm phóng viên

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên