Quản lý thịt bò Úc chưa chặt
Hiện có thông tin Nga và một số nước đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu bò Úc do phát hiện tồn dư ractopamine.
Ractopamine là chất tạo nạc cho vật nuôi mà Việt Nam cấm sử dụng, trong khi Úc và nhiều nước khác lại cho sử dụng.
Nếu chất này tồn dư trong thịt gia súc, người ăn vào sẽ gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch
Hiện có thông tin Nga và một số nước đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu bò Úc do phát hiện tồn dư ractopamine. Trong khi mặt hàng này thời gian qua lại được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, trong đó chất tăng trọng này cũng chưa được cơ quan thú y kiểm tra thường xuyên trên các lô bò Úc nhập khẩu.
Nhiều nước cấm nhập bò Úc
Đầu tháng 4 vừa qua, Nga cấm nhập thịt bò Úc với lý do chứa các chất kích thích tăng trưởng Mormon Growth Promotants (HGP). Quyết định cấm thịt bò Úc của Nga, vì họ cho rằng đã phát hiện trenbolone trong một chuyến hàng nhập thịt bò từ Úc, mặc dù Úc cam kết là chỉ xuất thịt bò không có HGP. Trenbolone là một steroid kích thích tăng trưởng cơ bắp và giúp thèm ăn.
Trước đó, hồi tháng 2 năm ngoái, Nga cũng đã cấm nhập thịt bò Mỹ, do tồn dư chất kích thích tăng trưởng khác, chất beta-agonist ractopamine nhằm tạo nạc và giúp gia súc mau lớn.
Trên thế giới, có Úc, Mỹ và 23 nước khác đang cho phép sử dụng ractopamine trong chăn nuôi, còn lại đều cấm sử dụng. Được biết hệ thống siêu thị Coles của Úc cũng đã tiên phong trong việc nói không với thịt bò có hormone.
Báo chí Đài Loan cũng đã đăng tải tin tức về những mẫu thịt bò có dư lượng chất cấm beta-agonist xuất xứ từ Úc. Văn phòng Úc ở Đài Bắc liền có thư đính chính. Họ cho rằng các chất beta-agonist như ractopamine và zilpatetol - được dùng để kích thích tăng trọng và tăng nạc trong đàn gia súc, không được đăng ký sử dụng trong chăn nuôi ở Úc.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng cảnh báo phát hiện ractopamine trên thịt bò Úc. Báo chí cũng thông tin có khoảng 40% thịt bò Úc được nuôi với hormon.
Nhiều nông dân ở Queensland và Northern Territory dùng hormone để chống sụt cân cho đàn gia súc trong mùa khô. Các nước châu Âu đã cấm sử dụng hormone trong sản xuất thịt bò từ gần 20 năm qua nhằm bảo vệ đàn gia súc chống lại thịt bò giá rẻ của Mỹ.
Chỉ kiểm tra định kỳ
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đua nhau nhập khẩu bò sống từ Úc để giết mổ bán ra thị trường với số lượng rất lớn. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, nhập khẩu khoảng 72.000 con bò sống từ Úc, chiếm 13,2% tổng số con bò sống mà nước này bán ra. Dự kiến trong năm nay nhập khoảng 150.000 con bò từ Úc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu nhập bò sống từ Úc.
Nếu được kiểm tra bài bản thì bò Úc khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ được cơ quan thú y tiến hành kiểm tra dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm các chất kháng sinh còn tồn dư khi bò nhập về đến cảng, sau đó mới đưa về các trang trại nuôi cách ly khoảng 2 tuần. Trong thời gian chờ cách ly, nếu kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu, lúc đó mới cho phép giết mổ bán ra thị trường.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Thú y Vùng VI, đơn vị chỉ kiểm tra chất này trên đàn bò Úc nhập khẩu theo định kỳ từ 6 đến 12 tháng, không lấy mẫu kiểm tra từng lô hàng. Bò Úc nhập khẩu chỉ được cơ quan chuyên môn kiểm tra lâm sàng dịch bệnh, không lấy mẫu kiểm tra chất ractopamine thường xuyên.
Mỗi ngày Chi cục Thú y TP HCM giám sát, kiểm tra khoảng 600 con bò từ các nơi đưa vào TP HCM tiêu thụ, phần lớn số này là bò Úc. Nhưng cơ quan này cũng không lấy mẫu kiểm tra chất ractopamine thường xuyên. Chi cục chỉ có lấy một số mẫu thịt bò Úc bán trên thị trường để xét nghiệm, kết quả âm tính với ractopamine. Được biết, bò Úc nhập về thường được nuôi nhốt ở Long An, Đồng Nai nên khi tiêu thụ ra thị trường rất khó kiểm tra.
Năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục 18 kháng sinh, hóa chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có 3 chất đứng đầu là salbutamol, clenbuterol và ractopamine. Năm 2010, bộ này tiếp tục ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt đáng chú ý là ractopamine, clenbuterol và salbutamol.
Thịt bò Úc tràn vào nội địa
Theo Long Giang