MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định mới- sản xuất, kinh doanh rượu vẫn... cũ

01-06-2013 - 08:02 AM |

Quy định mới chỉ thực sự có thay đổi khi loạt giấy phép cũ hết thời hạn. Do vậy, dù đã thực hiện được 5 tháng nhưng Bộ Công Thương chưa có đánh giá cụ thể

Những thay đổi trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu tràn lan như hiện nay. Thế nhưng, việc thực thi Nghị định này vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ý kiến của nhiều đại biểu tham gia Hội nghị phổ biến pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30-5 cho thấy, vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thời gian qua quá dễ dàng cho dù đã có khung pháp lý.

Theo ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay cũng như yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh rượu, Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu chưa đáp ứng được tính thực tiễn trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu. 

Do vậy, việc ra đời Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 40) là cần thiết. Nghị định 94 ra đời với mục đích nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu thông qua việc đưa ra các yêu cầu về điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu…

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), từ khi Nghị định 94 có hiệu lực (1-1-2013), tình trạng sản xuất kinh doanh rượu chưa có điểm mới vì chúng ta đang quy định những giấy phép sản xuất kinh doanh rượu được cấp vẫn được dùng đến khi hết thời gian. 

"Quy định mới chỉ thực sự có thay đổi khi loạt giấy phép cũ hết thời hạn. Do vậy, dù đã thực hiện được 5 tháng nhưng Bộ Công Thương chưa có đánh giá cụ thể", ông Thưởng cho hay.

Như vậy, có thể thấy, dù đã có quy định mới nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vẫn chưa vào khuôn khổ, điều này cũng đồng nghĩa với việc vẫn sẽ còn tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng.

Một số ý kiến còn băn khoăn rằng, việc cấp phép cho các cơ sở phải căn cứ trên quy hoạch thế nhưng cho đến nay hầu hết các tỉnh vẫn chưa làm xong quy hoạch. Việc thực hiện cấp phép theo quy định mới sẽ thực hiện như thế nào khiến các địa phương "túng lúng".

Lý giải về điều này, đại diện của Bộ Công Thương cho biết, về mặt pháp lý chưa có quy hoạch thì chưa thể cấp giấy phép kinh doanh. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các địa phương phải sớm hoàn thiện quy hoạch để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 94, từ ngày 1-1-2014, sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước lưu hành trên thị trường phải dán tem. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Sở Công Thương Hà Nội lo ngại rằng, từ nay tới thời điểm thực hiện việc dán tem còn quá ít thời gian. Nếu các bộ, ngành không có khởi động hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dán tem thì doanh nghiệp không thể thực hiện được và đương nhiên khi Nghị định có hiệu lực thì doanh nghiệp vẫn bị xử phạt.

Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, trong đó có việc sản xuất, kinh doanh rượu.

Theo Phan Thu

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên