Thực phẩm bẩn tràn lan: Chưa ngăn chặn được tận gốc
Hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải ngay tức khắc phát bệnh mà nó ngấm ngầm hình thành trong cơ thể.
- 21-12-2015Lo thực phẩm bẩn trỗi dậy
- 19-12-2015Thực phẩm bẩn cuối năm: Tinh vi, khó phát hiện
- 09-12-2015Báo tin thực phẩm bẩn, được thưởng đến 50 triệu đồng
Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, nhưng thực tế cho thấy, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh như mong đợi của nhân dân.
Càng về cuối năm, các vụ vi phạm an toàn thực phẩm liên tục được phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan chức năng chuyên ngành mới chỉ dừng lại ở phần ngọn chứ chưa xử lý ngăn chặn tận gốc tình trạng mất an toàn thực phẩm.
“Ăn cua, ăn cá tốt hơn nhiều, vì giờ lợn nào chả giống lợn nào, nạc quá thì toàn thuốc tăng trọng thôi. Những hàng bẩn không đảm bảo chất lượng thì mình nên xử lý trước khi đem ra chợ bán giống như có những cuộc điều tra hay thanh tra về hàng thịt heo để người dân mua yên tâm hơn”. Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thanh Thủy, phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên - Hà Nội và chị Trần Bích Hồng, quê ở Bình Dương làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long khi được hỏi về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản hiện nay.
Với quyết tâm cải thiện tình trạng mất an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngay từ đầu năm nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, trọng tâm là sản phẩm rau, thịt và thủy sản nuôi với tỷ lệ mẫu giám sát giảm so với năm 2014.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 22 đoàn thanh tra theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất, ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền hơn 21 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tình hình vẫn cải thiện chậm so với mong đợi. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị trực thuộc ngành chưa xác định trọng tâm, định hướng rõ ràng và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ được phân công; chưa chỉ đạo xuống các cấp địa phương để triển khai quyết liệt; tình hình triển khai tại các địa phương còn dàn trải, mang tính hình thức, chưa giám sát, đánh giá xác định được kịp thời sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao để tập trung xử lý hiệu quả, dứt điểm…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng: “Lạm dụng chất cấm như chất tạo nạc Sabutamol hoặc là Vàng Ô tạo màu vàng da trên gia cầm là hành động phạm pháp cần phải lên án. Đây là những chất cấm sử dụng, bên cạnh việc sử dụng chất này gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì còn vi phạm gian lận thương mại lừa dối người tiêu dùng. Vì vậy cần phải đấu tranh với những hành vi sản xuất lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm này như là đấu tranh với buôn bán, sử dụng chất ma túy”.
Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hàng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải ngay tức khắc phát bệnh mà nó ngấm ngầm hình thành trong cơ thể.
Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Salbultamol hay Clenbuterol là những chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Vì khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này, nó sẽ gây độc cho cơ thể làm loạn nhịp tim, làm rối loạn hệ thần kinh giao cảm, thậm chí làm đột biến tế bào là những tác nhân phát triển thành ung thư sau này.
“Mặc dù có nấu chín hay nấu kỹ thì hàm lượng độc tố đối với cơ thể rất lớn. Người ăn phải những sản phẩm thịt lợn đó như là uống chất độc vào trong cơ thể”- Giáo sư Phạm Ngọc Thạch nói.
Chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản nói riêng không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, hiệu quả lao động mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi là vấn đề không thể một sớm một chiều có thể kiểm soát được ngay bởi các cơ quan nhà nước không thể kiểm tra, kiểm soát được các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Quan trọng nhất là xã hội giám sát và tố giác. Người chăn nuôi và người tiêu dùng cùng vào cuộc tố giác những người chăn nuôi không chân chính, tố giác những đơn vị kinh doanh sản phẩm có chứa chất cấm.
Qua kiểm tra, chúng ta đã phát hiện ra rất nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, trong đó có tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Vấn đề quản lý Nhà nước ở đây là qua thanh tra, kiểm tra trong năm nay giữa cơ quan thanh tra chuyên ngành với Cảnh sát môi trường, Công an kinh tế chúng tôi thấy rằng, hành vi vi phạm rất lớn và thủ đoạn tinh vi trong thời gian dài. Vì vậy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương và các đoàn thể tham gia thì mới sớm đẩy lùi và chấm dứt các hành vi mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Thừa nhận tình trạng này, tại diễn đàn Quốc hội và các hội nghị chuyên ngành về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ: đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản là yêu cầu bức thiết của nhân dân. Vấn đề ở đây là làm sao để nhân dân có thể phân biệt được thực phẩm an toàn và không an toàn.
Các hành vi vi phạm buôn bán chất cấm trong lĩnh vực chăn nuôi phải được coi là tội ác, cần phải triệt phá tận gốc những đường dây cung cấp, mua bán chất cấm. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn và xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn cho những người sản xuất, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn thời gian tới...
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Chúng ta đã đáp ứng được về số lượng nông sản làm ra nhưng cái mà người dân mong đợi là nông sản an toàn. Tôi đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ hãy là mọi việc để đáp ứng yêu cầu này của người dân. Làm phải có hệ thống, thông qua giám sát thì chúng ta sẽ biết những cơ sở, vùng nào làm tốt, chưa tốt để tập trung giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm và chỉ ra cho người sản xuất, đấu tranh với những người cố tình vi phạm. Quá trình triển khai phải làm có trọng tâm trọng điểm, cụ thể từ nay đến cuối năm tập trung xử lý 2 mặt hàng thịt và rau.
Theo các chuyên gia, qua 1 năm ngành nông nghiệp triển khai đảm bảo an toàn vệ sinh nông, lâm, thủy sản vẫn cho thấy còn rất nhiều vấn đề không thể làm xong trong một năm. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phối hợp các Bộ ngành liên quan cùng với các địa phương tăng cường kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ trên góc độ an toàn thực phẩm mà hướng tới nông sản sạch. Tăng cường thông tin, cảnh báo tới từng hộ nông dân và người tiêu dùng nguy cơ cụ thể để thay đổi thói quen từ sản xuất đến tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, có lẽ mong muốn lớn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là câu chuyện "phong trào" theo từng đợt cao điểm như hiện nay./.
VOV