MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuốc giả giảm, thuốc kém chất lượng tăng

12-09-2013 - 16:21 PM |

Tỉ lệ thuốc giả được phát hiện tính trên tổng số mẫu lấy kiểm tra qua các năm giảm dần, nhưng tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng trong những năm gần đây lại không giảm mà có chiều hướng gia tăng.

“Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Lào về số lượng mẫu thuốc giả bị phát hiện. Việt Nam đứng thứ 13/175 quốc gia về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho dược phẩm. Vì thế, tội phạm coi đây là một địa bàn “màu mỡ” để sản xuất, buôn bán tân dược giả. Đồng thời, với mức sinh lời từ 200 - 450 lần, sản xuất và buôn bán tân dược giả đang trực tiếp đe dọa tới sức khỏe người bệnh, như một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng…”.

Những thông tin trên đã được đưa ra tại hội thảo khoa học: “Tân dược giả – Hiểm họa của thế giới, các biện pháp phòng chống dưới góc nhìn của Cảnh sát – Hải quan – Y tế”, do Học viện CSND phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, dự án Mê Kông và Viện chống thuốc tân dược giả của Cộng hòa Pháp tổ chức trong hai ngày 11 và 12/9.

Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2013, Việt Nam hiện có hơn 2.300 doanh nghiệp đăng ký chức năng kinh doanh dược phẩm, nhưng chỉ gần 1/10 trong số đó là sản xuất thuốc, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài là những đơn vị chiếm thị phần lớn về nhập khẩu và phân phối tân dược. 

Doanh số của thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2012 là gần 3 tỷ USD. Nếu như tại các nước phát triển, tỷ lệ thuốc giả dao động dưới 1% thì ở những nước đang phát triển, tỉ lệ này là 10%, một số nước lên đến 30%, đặc biệt những nước có chung đường biên giới với Việt Nam tỉ lệ này khá cao, điển hình như Philippines 30%, Campuchia 13% và Trung Quốc 8%. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, tại Việt Nam một số loại thuốc quan trọng như thuốc sốt rét có tỉ lệ thuốc giả chiếm tới 38%.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thì khuyến nghị, tỉ lệ thuốc giả được phát hiện tính trên tổng số mẫu lấy kiểm tra qua các năm giảm dần, nhưng tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng trong những năm gần đây lại không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Năm 2013, với gần 32.000 mẫu kiểm tra thì đã có 3,08% thuốc kém chất lượng, năm 2012 tỉ lệ này là 3,09%/35.000 mẫu.

Cũng theo WHO, bình quân mỗi năm trên thế giới có tới 200.000 người tử vong do tân dược giả. Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, thậm chí tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10, trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, từng ngày từng giờ đang đe dọa sức khỏe con người.

GS.TS, Đại tá Đỗ Đình Hòa, Học viện CSND cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm các lực lượng nghiệp vụ của lực lượng CSND đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo pháp luật hình sự trên 300 vụ, trong đó có nhiều vụ sản xuất, buôn bán tân dược giả. Điển hình như vụ Huỳnh Ngọc Quang, Huỳnh Văn Tiên, vụ Trần Thị Diễm Phương cầm đầu đường dây sản xuất tân giả cực lớn ở TP Hồ Chí Minh; vụ Quách Thị Lành ở Hà Nội và đồng bọn đã sản xuất, buôn bán số lượng rất lớn thuốc tránh thai giả nhãn hiệu Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Theo PGS.TS Đường Minh Giới, Trưởng bộ môn Pháp luật, Học viện CSND thì hiện nay có một số khó khăn bất cập liên quan đến cuộc chiến thuốc giả. Đó là chúng ta chưa có một sự thống nhất về khái niệm thuốc giả; đồng thời chưa có tiêu chuẩn để phân biệt giữa thuốc kém chất lượng với thuốc giả và cũng chưa có quy định thuốc quá hạn sử dụng là thuốc giả hay là thuốc kém chất lượng. Thực tiễn còn cho thấy, có rất nhiều loại thuốc bị “làm nhái”, nhưng có bị coi là thuốc giả hay không, hiện cũng chưa rõ ràng.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc TT Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện CSND cho hay, các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh tân dược; hoàn thiện pháp luật đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả; cần tách hành vi sản xuất, buôn bán tân dược giả thành một tội danh độc lập.

Nhiều đại biểu dự hội thảo cùng khuyến nghị, các cơ quan chức năng phải tích cực tuyên truyền để giúp người tiêu dùng nhận biết được thuốc giả, xây dựng hệ thống cảnh báo (hình ảnh, mẫu mã) về sự xuất hiện của các loại tân dược giả trên thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cơ sở chữa bệnh, tại khu vực kinh doanh thuốc, hướng dẫn người tiêu dùng khi có nghi ngờ thì có cách nhận biết ban đầu để người tiêu dùng dễ nhận diện.

Ví dụ, người dân có thể lắc vỉ thuốc xem có bị dính, bạc màu hay chảy nước không? Với chai thuốc nước thì chai có bị đóng cặn hay váng mốc không. Các đơn vị sản xuất tân dược cũng phải biết bảo vệ sản phẩm của mình, thông báo, cảnh báo người tiêu dùng khi có thuốc giả trên thị trường

Theo Thu Phương

khanhnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên