Trái cây Thái Lan “tung hoành” chợ Việt: Cây nội địa có thể “chết”
Lý do đầu tiên phải kể đến là sản xuất trái cây của ta còn quá nhỏ bé, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Chính sách thuế hội nhập tới đây đều về 0% cả thì không có cách gì ngăn trái cây ngoại nhập tràn vào nước ta. Sản xuất trái cây nội địa có thể chết và nông dân ta nếu không có chính sách trợ giúp sẽ nguy cơ chỉ còn đi làm thuê thôi”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói như vậy khi trả lời chúng tôi xung quanh việc trái cây Thái Lan đang đổ vào thị trường Việt Nam ồ ạt.
Việc trái cây Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam- một đất nước sản xuất rất nhiều loại trái cây - có phải là một nghịch lý không, thưa ông?
- Tất nhiên đó là nghịch lý, nhưng thấy rồi thì phải làm rõ tại sao lại như vậy. Tôi cho rằng, lý do đầu tiên phải kể đến là sản xuất trái cây của ta còn quá nhỏ bé, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mới đạt trên 1 triệu tấn/năm. Chúng ta có trang trại, nhà vườn đấy nhưng sản xuất còn manh mún, diện tích chỉ vài ha/cơ sở, trong khi trang trại trái cây của Thái Lan lên tới vài trăm ha. Chất lượng trái cây của ta lại không đồng đều, có quả xoài to bằng hai bàn tay úp lại, có quả lại chỉ nhỏ như cái chén.
Quy trình sản xuất trái cây của ta lại ít theo tiêu chuẩn nên năng suất, chất lượng kém. Thanh long trồng rất nhiều ở Bình Thuận, Ninh Thuận nhưng chỉ xuất được 1/5 sản lượng. Hệ thống phân phối, bảo quản, dự trữ kém nên trái cây hao hụt, giập nát nhiều, khó đến tay người tiêu dùng mà vẫn ngon. Tôi vào miền Nam thấy họ thu hoạch bưởi Năm roi mà xót xa. Họ hái trên cây rồi vứt ngay xuống sọt dưới đất, trong khi các nước họ bảo quản, bao bì bọc gói quả ngay từ trên cây…
Có phải vì kém ở mọi khâu như thế nên trái cây ta lép vế ngay trên sân nhà và ngày càng mất thị trường?
- Đúng là chúng ta trồng ra nhiều trái cây nhưng từ những yếu kém nêu trên mà đáp ứng cho thị trường nội địa thì kém và kém thì trái cây của các nước sẽ tràn vào thôi. Giờ đi siêu thị hay chợ đều thấy bán nhãn Thái Lan, quả tròn, to đều, dù chất lượng hương vị chưa chắc đã bằng nhãn của ta nhưng nhìn quả của Thái Lan đã rất bắt mắt. Mãng cầu xiêm của Thái Lan thì ăn rất ngon. Chanh của Thái Lan thậm chí không có cả hạt… Vậy trái cây của chúng ta cạnh tranh ra sao?!
Tới đây, khi nước ta tham gia hội nhập cùng các hiệp định thương mại, ông đánh giá như thế nào về trái cây ngoại trên thị trường Việt Nam?
- Lúc đó, thuế má sẽ về 0% hết tôi cho chúng ta khó có thể ngăn được trái cây ngoại đổ bộ vào Việt Nam nhiều hơn. Sản xuất nội địa sẽ có nguy cơ chết và nông dân của ta không cẩn thận sẽ chỉ còn đi làm thuê cho nước ngoài. Nên nhớ, hội nhập sâu rộng, các nước không chỉ đưa sản vật vào mà họ còn lợi dụng địa thế, đất đai, lao động của mình để mà đầu tư thu lời. Người Nhật hiện đã đầu tư trồng xoài ở Đông Nam Bộ, gạo ở Thái Bình rồi…
Nhưng chúng ta cũng đã có không ít các chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp để vươn lên cạnh tranh khi hội nhập?
- Nhiều chính sách nhưng chưa tác dụng, chưa “chạm” được đến từng mảnh ruộng, bờ ao của người nông dân. Tôi ví dụ chính sách đảm bảo cho người nông dân trồng lúa lãi 30%, ta đã làm được chưa? Đã có ai thống kê nông dân trồng lúa lãi đích thực bao nhiêu chưa? Vậy chính sách ở đây là gì? Có gì? Rõ ràng chính sách chưa hiệu quả.
Từ ví dụ về lúa gạo sẽ thấy lĩnh vực hoa quả có chính sách như thế nào. Hiện chúng ta không đầu tư khoa học công nghệ, không quy hoạch vùng tốt cho trồng cây ăn trái, nay trồng cam mai trồng ổi là chết. Ta không cố lên mà cứ như hiện nay nước ngoài sẽ vào kiếm lời hết…
Chúng ta phải “cố lên” như thế nào, thưa ông?
- Cố từ chính sách vĩ mô, từ Chính phủ, các bộ ngành tới người nông dân. Các chính sách phải thỏa đáng, hợp lý và vì lợi ích người sản xuất. Câu chuyện này đã muôn thuở từ hơn 10 năm nay rồi, chuỗi lúa gạo, thực phẩm, cây trái… nói nhiều nhưng làm chưa thấy hiệu quả ró rệt. Muốn phát triển lĩnh vực trái cây thì phải có chính sách hỗ trợ từ cải tạo đất, quy hoạch trồng đến đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, sản xuất theo đơn đặt hàng…
Nhìn vào cơ chế mía đường của Thái Lan sẽ thấy tại sao giá của họ rẻ thế. Nông dân trồng mía của Thái cứ phải lãi 60%, còn 40% thì các khâu còn lại chia nhau. Với ta, cứ bàn chính sách mà không thực hiện đến nơi đến chốn cũng chả ích gì.
Xin cảm ơn ông!
Ông Võ Văn Quyền-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Sức ép để đổi mới sản xuất
Việc hàng hóa Thái Lan, trái cây Thái Lan hay sản phẩm của các nước khác tới Việt Nam chỉ là câu chuyện về cạnh tranh mà từ đó, các nhà sản xuất Việt Nam phải suy nghĩ làm sao để tăng sức cạnh tranh trên sân nhà.
Đây là việc mà họ cần phải làm nếu muốn tồn tại, đứng vững và tham gia vào sân chơi toàn cầu. Bước đi quan trọng và cần thiết để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là doanh nghiệp Việt, các nhà sản xuất trái cây Việt phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối, xuất khẩu...
Trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng hóa Việt Nam đã và đang tới được khắp nơi trên thế giới, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng trăm tỷ USD thì việc hàng hóa của các nước thâm nhập vào thị trường Việt Nam là bình thường.
Hàng hóa của Việt Nam cũng đang được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU... Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vì vậy các dòng chảy như đầu tư, lao động, hàng hóa chắc chắn sẽ tới Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.
Trái cây Thái Lan “tung hoành” chợ Việt: Sắp “mất bò”, nhanh “lo làm chuồng”
Theo Mai Hương