MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái cây Thái Lan “tung hoành” chợ Việt: Sắp “mất bò”, nhanh “lo làm chuồng”

18-09-2014 - 14:46 PM |

Không chỉ trái cây Thái Lan, sản phẩm nông nghiệp từ các nước khác trên thế giới sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, dễ dàng hơn trong thời gian tới. Do đó, sản xuất trong nước cần tổ chức lại để có thể “sống sót”.

Thế nhưng cái khó của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là nền sản xuất nông hộ nhỏ, lẻ, phát triển ì ạch, nông dân không chịu tiếp thu cái mới.

“Đừng chỉ tìm cái lợi trước mắt!”

Là một trong 62 nông dân đạt danh hiệu Nông dân tiêu biểu 2013 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng, ông Trương Quang An – Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) chua chát: Thay đổi tập quán sản xuất của nông dân sao mà khó quá!

Ông An cho rằng, HTX muốn kêu gọi xã viên tham gia làm VietGAP hoặc chuyển sang sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng trái, từ đó, sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường. Thế nhưng, bà con thấy khó làm nên nản chí, lại còn yêu cầu phải bán được giá cao, có hỗ trợ thêm khoản này khoản nọ mới chịu tham gia.

“HTX phải tốn tiền trà nước tiếp khách để mời các chuyên gia về hướng dẫn nhưng nhiều hộ còn không chịu làm theo. Thế nên mô hình 30ha thanh long VietGAP của HTX Tầm Vu ì ạch 2 – 3 năm nay không xong”- ông An cho biết. “Phải làm VietGAP, phải sản xuất sạch, an toàn để phát triển lâu dài, bền vững. Thế nhưng phần lớn bà con chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là giá bán phải cao hơn vài đồng. Khi mặt bằng giá mới chưa hình thành, bà con đã bỏ cuộc”-ông An tiếp lời.

Còn ông Huỳnh Văn Sang - Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng đồng ý rằng, nước đã đến chân nông dân khi mà cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt hơn. Thế nhưng, phải rất vất vả trong nhiều năm qua, HTX Hòa Lộc mới dần xây dựng được lối sản xuất an toàn, hiện đại như hiện nay cho toàn bộ xã viên.

“Phải cầm tay chỉ việc từng xã viên, hằng tháng, HTX sinh hoạt thường kỳ để chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin thị trường. Thế nhưng, trong 80ha diện tích xoài của toàn HTX thì cũng chỉ có 30ha đạt chuẩn GlobalGAP”- ông Sang cho biết.

Không thay đổi sẽ “chết sớm”

Ông Sang kể, cách đây vài năm, việc trồng xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang hầu hết sử dụng phân vô cơ và xịt thuốc trừ sâu nhiều lần trong năm. Nhiều hộ còn có thói quen cây trồng cho gia đình ăn thì khác với cây trồng để bán. Điều này dẫn tới tình trạng người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm nội địa.

Là một trong số ít sản phẩm trái cây trong nước sớm thực hiện thành công việc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, kết hợp làm thương hiệu, dán tem cho sản phẩm…, Ban chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc đã phải kiên trì động viên, hướng dẫn bà con trong vùng chuyển hướng sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện bao trái để đảm bảo chất lượng.

“Con đường rất gian khổ, tại xã viên không phải ai cũng có hiểu biết và chịu thay đổi, rất nhiều hộ không chịu tham gia. Thế nhưng, thời kỳ hội nhập, hộ nào không nhạy bén, không chịu thay đổi thì chỉ có nước bỏ vườn trống cho cỏ ăn”- ông Sang nhận định.

TS Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam – SOFRI) cũng cho rằng, cái yếu của ta hiện nay là nông dân Việt Nam chưa sẵn sàng cho một cuộc chơi có quy mô toàn cầu. Không chỉ vậy, bà con còn thiếu thông tin, hiểu biết mập mờ về thị trường nên rất dễ dẫn tới tình trạng “thua trên sân nhà”.

Theo ông Lập, lợi thế của trái cây Việt Nam hiện nay là bà con vùng ĐBSCL biết sản xuất rải vụ, lợi dụng thị trường lúc thiếu hụt sản phẩm để bán ra. Việc rải vụ trái cây ở Thái Lan chưa làm được. Ví dụ như trái nhãn Việt Nam, trái thì nhỏ, hạt lại to nên cơm ít nhưng Việt Nam vẫn xuất sang Trung Quốc rất tốt do trồng được vụ nghịch.

“Tuy nhiên, để việc sản xuất rải vụ phát huy được lợi thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Trước hết, phải nghiên cứu từng phân khúc thị trường, sau đó, phân chia mùa vụ phù hợp cho từng sản phẩm, từng địa phương.

Ví dụ như trái thanh long, Việt Nam có 3 vùng trồng thanh long chính là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, phải phân chia vùng nào trồng vụ chính, vùng nào trồng vụ nghịch. Hay như trái nhãn, được trồng ở nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An… Phải có kế hoạch thời vụ như thế nào cho hợp lý, nếu không, mọi kế hoạch cũng sẽ không có tác dụng” - ông Lập phân tích thêm.

 

TS Nguyễn Minh Châu- chuyên gia về cây ăn trái
Do sự chậm chạp trong các chính sách của nhà nước đã dẫn đến hệ lụy là nông dân cũng không thấy được tầm quan trọng của việc thay đổi tập quán sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất sạch và bền vững. Nông dân vẫn còn dùng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc trừ sâu vô tội vạ, đến nỗi giờ đến người tiêu dùng trong nước còn sợ và quay lưng với rau quả trong nước thì nói gì đến thị trường nước ngoài. Chính điều này lý giải cho việc tại sao trái cây Thái Lan và các nước “tung hoành” và chiếm được thị phần dễ dàng ở thị trường VN.

Ngọc Minh (Ghi)

Rau quả Thái Lan đánh bật Trung Quốc

Theo Thuận Hải

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên