Tràn lan bánh trung thu bẩn
Tính từ ngày 1 - 21.9, có 23 lượt cơ sở SXKD bánh trung thu trên địa bàn quận bị kiểm tra, trong đó xử phạt 14 cơ sở vi phạm với số tiền 76 triệu đồng, đình chỉ 1 cơ sở, tiêu hủy 260kg nguyên liệu sản xuất và 90 chiếc bánh không rõ nguồn gốc.
- 21-09-2015Cách phân biệt bánh trung thu Kinh Đô thật và giả
- 20-09-2015Kinh hoàng bánh Trung Thu Trung Quốc 10 năm vẫn không bốc mùi
- 20-09-2015Cảnh giác với những cơ sở làm bánh trung thu handmade không rõ nguồn gốc
Sáng 21.9, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) số 1 của TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tại Đà Nẵng, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.Đà Nẵng cũng đang tiến hành kiểm tra ATVSTP các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn.
Đóng cửa im ỉm để né tránh kiểm tra
Xung quanh bức xúc của người dân về chất lượng bánh trung thu năm nay, PV Báo Lao Động đã tìm hiểu một xưởng làm bánh tại làng sản xuất bánh trung thu truyền thống Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Trong vai khách hàng muốn nhập một lượng lớn bánh trung thu về đại lý bán, chúng tôi ghé vào cơ sở sản xuất bánh H.S và được chủ cửa hàng đon đả giới thiệu về các loại bánh cũng như “dây chuyền” làm bánh “sạch nhất Xuân Đỉnh”. Chị Loan (chủ cửa hàng) tự hào khoe: “Lúc có đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, các nhà xung quanh đều đóng cửa im ỉm để né tránh còn cửa hàng nhà chị vẫn mở cửa hoạt động bình thường”.
Đoàn liên ngành kiểm tra đợt 2 tại cơ sở sản xuất của Cty TNHH DV&TM Mesa (142 phố Huế, Hà Nội) sáng 21.9, cơ sở này đã khắc phục mọi vi phạm trước đó.Ảnh: HẢI NGUYỄN - K.L
Theo quan sát của PV, bột và nhân làm bánh đều được nhân viên nhào, nặn bằng tay trần. Chưa kể, bột bánh vương vãi khắp nơi trên nền gạch ẩm ướt trộn lẫn cùng đất cát từ giày dép khiến sàn nhà vốn đã nhớp nháp lại càng trở nên nhầy nhụa. Các thùng đựng nguyên liệu cũng “vô tình” được bày ngổn ngang trên sàn nhà. Chưa hết, chủ cửa hàng còn tiết lộ sự thật: “Cửa hàng bánh thu B.P (Thụy Khuê, Hà Nội) mà dân tình hay xếp hàng mua thực chất toàn nhập hàng dưới này để mang lên bán. Xe chở hàng thường hoạt động vào ban đêm nên ít người biết là phải”. “Nhiều khi họ chỉ nhập bánh loại rẻ khoảng 20.000 đồng/chiếc rồi bán khống lên tới 50.000 - 60.000 đồng/chiếc, chẳng qua là chỗ làm ăn anh em nên chúng tôi mới đồng ý bán giá đó” - chị Loan khẳng định.
Như vậy, sau hàng loạt sai phạm bị các cơ quan chức năng “sờ gáy” trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Xuân Đỉnh vẫn “đủng đỉnh” như chưa hề có gì xảy ra. Chưa kể, hàng tấn nguyên liệu “bẩn” vẫn đang được bày bán trôi nổi trên thị trường, ngay chính các con phố trung tâm mà không hề có sự kiểm định của cơ quan ATVSTP.
Bánh “nhà làm” cũng đầy nguy cơ mất vệ sinh
Nhiều người dân “mất lòng tin” vào bánh trung thu bày bán tại các cửa hàng đã quyết định tự mua nguyên liệu về nhà làm bánh. Những ngày này, theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi nổi tiếng chuyên bán các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm - luôn tấp nập “người mua kẻ bán”.
Theo nhiều chủ cửa hàng, các nguyên phụ liệu làm bánh trung thu như bột làm bánh, các loại nhân như mứt bí, hạt sen, hạt dưa, lạp sườn, trứng muối, đậu xanh… và hương liệu như nước đường bánh dẻo, nước đường bánh nướng, nước hoa bưởi… được rất nhiều người hỏi mua và bày bán la liệt công khai ngay trên vỉa hè. Tại đây, các túi bột và mứt được buộc chun, ghi “nguệch ngoạc” vài chữ sơ sài trên vỏ bao. Bên cạnh đó, các can nhựa đựng hương liệu được ghi bút dạ ngoài vỏ can để “phân biệt” chủng loại. Hầu hết các nguyên liệu được đóng gói sơ sài, không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng trên vỏ bao khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc xuất xứ.
Nhân viên một xưởng sản xuất bánh trung thu tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) “tay không nặn bánh” - vi phạm tiêu chuẩn ATVSTP.
Ngoài những nguyên liệu phổ thông trên, nhiều cửa hàng còn quảng cáo những nguyên liệu “xịn”. Chỉ tay vào một gói bột bánh dẻo có đề chữ “Bột dẻo ĐB” (bột dẻo đặc biệt - PV), chị Thoa phân trần: “Sở dĩ loại bột này đắt hơn vì đây là bột được xay từ gạo loại 1, chất lượng cao; hơn nữa được rây kỹ hơn nên khi làm bánh sẽ cho sản phẩm ngon hơn hẳn”. Khi được hỏi hạn sử dụng của những sản phẩm này là đến khi nào, chị khẳng định chắc nịch: “Để được cả năm là chuyện bình thường” (!).
Theo một số chủ cửa hàng, chỉ với khoảng 100.000 - 150.000 đồng tiền mua nguyên liệu, người mua có thể tự làm khoảng 10 chiếc bánh 200 gram. Như vậy, mỗi chiếc bánh chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng chưa kể vỏ bao bì và khuôn. Mức giá khá “bèo” đang dấy lên lo ngại về nguồn gốc thực sự của những nguyên liệu giá rẻ này là từ đâu? Điều này cũng dấy lên lo ngại về chiếc bánh do chính tay mình làm ra mặc dù nguyên liệu đã được lựa chọn.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành VSATTP cho biết: Từ nay đến sau tết trung thu, Ban chỉ đạo ATVSTP các quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, bày bán bánh trung thu, không để các cơ sở làm ăn thiếu đứng đắn làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Ngày 21.9, Đoàn Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.Đà Nẵng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo phục vụ tết trung thu tại địa bàn. Kết luận kiểm tra, kiểm định chất lượng sẽ có trong vài ngày tới. N.BĂNG - H.LONG
Lao động