Tươi cười khi bán, hậm hực bảo hành
Bảo hành sản phẩm hàng hóa được quy định là trách nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp.
Hoạt động bảo hành hàng hóa có nhiều tác dụng tích cực đến việc lành mạnh hóa nền kinh tế thị trường, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng vừa đề cao trách nhiệm, tạo lòng tin, quảng bá thương hiệu của nhà sản xuất đối với chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng.
Thế nhưng thực tế khách hàng chỉ là “thượng đế” khi mua hàng, còn khi sản phẩm bị lỗi đem bảo hành, nhiều khách hàng phải nếm trái đắng.
Tại một công ty máy tính trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM), khi vào mua hàng, nhân viên vui vẻ đón tiếp, nụ cười thường trực trên môi hướng dẫn tính năng ưu việt, sản phẩm, chế độ hậu mãi, bảo hành... Nhưng ngay cạnh đó, tại khu vực bảo hành, hơn chục khách hàng tỏ vẻ bực dọc bởi thái độ cau có, hoạnh họe của nhân viên bảo hành.
“Muốn công ty bảo hành sản phẩm mình phải làm dữ, chứ không đừng có mơ! Nói lý lẽ với họ mình nói không lại, họ có đủ lý do để từ chối...” - anh T. (Q.Gò Vấp) bức xúc. Theo anh T., để được bảo hành laptop mua hồi giữa tháng 10 tại siêu thị điện máy này, anh đã phải gặp hàng loạt nhân viên đến quản lý để làm rõ lý do không bảo hành sản phẩm. Đại diện cửa hàng nêu lý do tem niêm dán phía sau màn hình bị mờ.
“Con tem này chẳng liên quan gì đến bàn phím, mặt khác con tem bằng giấy cũng rất dễ bong tróc, mờ bởi những thao tác đơn giản khi sử dụng máy. Vậy mà họ từ chối...” - anh T. nói và khẳng định đây sẽ là lần cuối cùng anh giao dịch với công ty này.
Theo thống kê của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, khiếu nại xoay quanh vấn đề sản phẩm bị lỗi, bảo hành sản phẩm luôn chiếm gần nửa đơn khiếu nại gửi đến hội. Tương tự, thời gian gần đây hàng loạt khách hàng gửi bức xúc đến báo Tuổi Trẻ nhờ hỗ trợ giải quyết về việc bảo hành.
Những bạn đọc, người tiêu dùng cho biết chẳng đặng đừng mới phải tìm đến hội cũng như báo chí để nhờ can thiệp do họ đã quá mệt mỏi. Ông Ngô Bách Phong, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết rõ ràng doanh nghiệp biết mình sai nhưng dùng đủ chiêu để trốn tránh trách nhiệm.
“Không chỉ những công ty “ma”, doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả nhiều doanh nghiệp có tên tuổi cũng kém cỏi trong việc chăm sóc, xử lý khâu hậu mãi đối với khách hàng. Người tiêu dùng thiệt thòi đã đành, nhưng lâu dài doanh nghiệp cũng phải trả giá!” - ông Phong khẳng định.
Trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rất rõ trách nhiệm bảo hành. Thậm chí nhiều điều khoản có lợi cho người tiêu dùng như: buộc doanh nghiệp đổi trả sản phẩm, linh kiện, chịu chi phí vận chuyển cũng như cung cấp sản phẩm tương tự để người tiêu dùng sử dụng trong thời gian doanh nghiệp sửa chữa, bảo hành sản phẩm. Thế nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp thực hiện điều này.
Không có nhiều vụ kiện cáo ra tòa về việc doanh nghiệp từ chối bảo hành sản phẩm bởi người tiêu dùng luôn đuối lý với những điều khoản mập mờ có lợi cho doanh nghiệp ghi trên phiếu bảo hành. Tuy nhiên sau một lần “ngậm đắng”, người tiêu dùng chắc chắn thẳng thừng quay lưng với kiểu làm ăn chụp giựt này của doanh nghiệp.
Theo Lê Sơn