Yếu tố mùa vụ có thể gây áp lực lên mặt bằng giá tháng cuối năm
Đó là dự báo của Cục quản lý giá Bộ Tài chính.
Theo dự báo của Cục quản lý giá Bộ Tài chính, diễn biến giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm; tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng, dầu trong tháng 11/2014 và đầu tháng 12/2014 (ngày 22/11/2014 và ngày 6/12/2014); giá cước vận tải có xu hướng giảm, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng ổn định hoặc giảm như: lương thực, đường, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, xi măng, LPG... sẽ góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 12 này.
Tuy nhiên, trong tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, một số yếu tố mùa vụ có khả năng gây áp lực lên mặt bằng giá như: nhu cầu chuẩn bị hàng hóa cho Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 tăng; sức mua có khả năng thanh toán tăng do đẩy mạnh giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, lượng kiều hối chuyển về tăng; cùng với yếu tố thời tiết (rét đậm, rét hại có thể xuất hiện nửa đầu tháng 12/2014) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng (may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình tăng...).
Cục quản lý giá đề nghị các Bộ ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, bình ổn thị trường giá cả; bảo đảm nguồn cung hàng hoá nói chung, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm...) nói riêng; đáp ứng cho nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm và chuẩn bị cho Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; tiếp tục các chương trình khuyến mại, giảm giá, Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương để bình ổn thị trường, giá cả góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Thảo Phương