Hàng trăm ha rau màu ở xã vùng dịch của Hưng Yên bị ế đọng
Nông sản được đóng thành từng túi để đưa lên xe vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN
Hàng trăm tấn cà chua chín đỏ ối chất đống ngoài ruộng, hàng trăm ha rau xanh đến kỳ thu hoạch không bán được, dù giá rẻ như cho vẫn ế đọng đành bị bỏ thối...
Đây là thực trạng đang diễn ra tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, nơi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng là địa phương trồng rau màu lớn nhất ở Hưng Yên.
Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, Yên Phú là nơi có truyền thống sản xuất rau màu từ nhiều năm nay. Xã hiện có hơn 300 ha, với hơn 200 hộ sản xuất quy mô lớn theo quy trình VietGAP, trồng rau an toàn. Thâm canh rau màu mang lại nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ nông dân.
Tuy nhiên, sau khi xuất hiện 3 ca bệnh dương tính với COVID-19 ở thôn Từ Hồ, toàn xã Yên Phú bị phong tỏa từ ngày 9/2 đến ngày 26/2. Theo đó, toàn bộ diện tích canh tác đến thời kỳ thu hoạch bị đình trệ, không tiêu thụ được đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Hiện trên địa bàn tồn đọng hơn 100 tấn rau củ quả như cà chua, su hào, gần 100 tấn hoa quả như ổi, táo, cam, quất; hơn 100 mẫu rau ăn lá, rau gia vị như bắp cải, hành; hơn 10 mẫu chuối trong cảnh khó tiêu thụ.
Anh Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú chia sẻ, mỗi ngày sản lượng rau của cả xã cung ứng ra thị trường từ 80 -100 tấn. Trước đây sức tiêu thụ rất mạnh nhưng từ ngày 9/2 do ảnh hưởng dịch COVID-19, xã Yên Phú bị phong toả nên toàn bộ nông sản đang tồn đọng trong dân rất lớn. Lượng rau củ quả bà con tự tiêu thụ mỗi ngày chỉ bằng 5 - 10% so với trước đây, với mức dưới 10 tấn/ngày.
Cũng theo anh Hưng, những năm trước, tháng Giêng được coi là "tháng củ mật" của dân Yên Phú. Bởi sau Tết, rau xanh khan hiếm nên giá thường cao. Yên Phú luôn được mùa rau do bà con có kỹ thuật thâm canh cao nên "được mùa được giá". So với năm ngoái, mỗi kg rau củ có giá từ 7.000 - 15.000 đồng, năm nay tụt xuống chỉ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Theo đó, với diện tích 12 ha rau màu các loại, vụ rau Xuân này, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Phú mất đứt 500 triệu đồng. Tương tự, nhiều hộ trồng từ 1 đến 2 mẫu như ông Lê Văn Nghiêm, Lê Văn Xuân ở thôn Mễ Hạ, ông Nguyễn Cao Lâm ở thôn Bình Phú... mỗi hộ thất thu từ 50 đến 100 triệu đồng.
Ông Lê Văn Cảo và nhiều bà con thôn Mễ Hạ buồn rầu cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên rau màu được mùa nhưng do ảnh hưởng của dịch nên bị rớt giá thê thảm. Gia đình ông Cảo trồng 1 mẫu cà chua, hơn 5 sào bắp cải và rau ăn lá các loại. Do đợt dịch COVID-19 từ trong Tết nên hàng tồn đọng đến bây giờ rất nhiều, giá xuống chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg mà không có người mua, nhiều bà con đành bỏ thối ngoài ruộng.
Với mức chỉ 1.000 đồng/kg cà chua mà vẫn ế ẩm, bà con thôn Mễ Hạ ngậm ngùi "lấy công làm lỗ", bởi số tiền bán cà chua mỗi ngày chỉ bằng phân nửa công đi làm thuê, việc thu hái coi như là công dọn ruộng. Vì vậy, những ngày cao điểm cà chua chín rộ, rụng đầy ruộng. Ở thôn Mễ Thượng, cải Đông Dư cũng chỉ có giá 1.000/kg, rẻ bằng 1/5 so với trước đây nhưng vẫn không bán được.
Hiện thôn Bình Phú còn tồn đọng hơn 100 tấn hành, thôn Mễ Hạ còn khoảng 100 tấn cà chua, HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Phú còn 20 tấn bắp cải, các thôn Từ Hồ, Bình Phú cũng tồn đọng hàng trăm tấn rau ăn lá và rau gia vị... Nếu không tiêu thụ được trong vòng 10 ngày tới, toàn bộ lượng rau màu này coi như bỏ đi. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú cũng đang tìm mọi cách xoay xở để giúp bà con bao tiêu sản phẩm, nhưng do giá cả thấp, mọi nơi đều "được mùa rớt giá" nên việc tiêu thụ rất chật vật.
Trước thực trạng trên, huyện Yên Mỹ cũng đã ra công văn khẩn mời các công ty và phát động các đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn cho xã Yên Phú, chung tay giúp bà con tiêu thụ nông sản. Bước đầu giải cứu được gần 100 tấn và xem ra việc tiêu thụ rất chậm, do tình trạng khó khăn chung của thị trường.
Điều đáng buồn người tiêu dùng Hưng Yên dường như không biết vùng rau, quả xã Yên Phú đang bị tồn đọng. Tại thành phố Hưng Yên, Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức 3 điểm bán hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương từ ngày 24/2, nhưng không có sản phẩm của xã Yên Phú.
Báo tin tức/TTXVN