Hàng trăm kg dưa chuột "đổ mồ hôi" trong nắng nóng Hà Nội chờ được giải cứu
Hàng trăm kg dưa chuột đã được chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội chờ giải cứu với mức giá 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong tiết trời nắng nóng đầu hè, lượng dưa cuối cùng đang tiêu thụ chậm hơn.
- 25-04-2018Nông sản Việt thua trên “sân nhà” vì người tiêu dùng kém tin tưởng
- 24-04-2018Tăng cường kết nối cung cầu giúp nông sản Việt đỡ “bí” đầu ra
- 20-04-2018Xuất khẩu nông sản 2018 khả năng cán mốc 40 tỉ USD
Trong nắng nóng đầu hè, người dân thủ đô không khỏi chú ý đến hoạt động "giải cứu" dưa chuột , giúp đỡ nông dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) được tổ chức tại nhiều con phố lớn ở Hà Nội. Hoạt động này được nhóm thanh niên tình nguyện Đoàn sinh viên tình nguyện Hàm Rồng triển khai trong vài ngày gần đây.
Theo chia sẻ của Nhi (tình nguyện viên - sinh viên đại học Lao động xã hội), nông dân trồng dưa chuột tại Diễn Châu, Nghệ An đang bị lâm vào cảnh được mùa nhưng mất giá, dưa chuột bị lái thương ép giá thấp, chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhóm đã trực tiếp vận chuyển 9 tấn dưa từ địa phương về Hà Nội, tổ chức bán giải cứu với mức 9.000 đồng/kg.
Sau 4-5 ngày triển khai hoạt động giải cứu dưa chuột, lượng dưa còn lại khá nhiều và hiện được bày bán tại vườn hoa Kim Mã (Hà Nội). "Do thời tiết nắng nóng và mọi người đi làm nên lượng tiêu thụ dưa vào buổi sáng và trưa khá kém. Buổi chiều, vào giờ tan ca thì người mua ủng hộ nhiều hơn", một thành viên của nhóm tình nguyện cho hay.
Khá lo lắng về lượng dưa tiêu thụ chậm trong sáng nay, nhóm tình nguyện viên thậm chí nhận vận chuyển miễn phí cho các đơn mua hàng trong phạm vi 5km.
Dưa chuột tại điểm giải cứu được phân loại, chọn các quả non, không bị dập nát, chia thành các túi có trọng lượng từ 1- 5kg. Tuy nhiên, dưới thời tiết nắng nóng, dưa đổ mồ hôi và có dấu hiệu mất nước, nhiều quả đã có dấu hiệu bị hỏng. Để khắc phục tình trạng này, các tình nguyện viên buộc phải đặt các túi dưa dưới bóng cây hoặc bãi cỏ để bảo quản.
Bình nước, chai nước vừa phục vụ cho tình nguyện viên vừa được tận dụng để làm tươi các trái dưa đang chờ người "giải cứu".
Không có lều bạt che chắn, các cô gái trong đội tình nguyện phải đội nón, che ô, núp dưới một tán cây để bán hàng. "Mấy hôm nay, nhóm ăn dưa thay bữa rồi ạ. Nếu không bán hết, có thể chúng em sẽ chịu lỗ một chút, nhưng ủng hộ được nông dân Nghệ An cũng vui. Buổi tối thì vẫn có bạn được cắt cử ngủ tại đây để trông dưa, ban ngày thì nhóm thường xuyên thay ca. 4-5 ngày làm việc, nhiều bạn mất giọng hoặc ốm nhưng ai cũng nỗ lực", một thành viên chia sẻ.
Dù nắng nóng nhưng không ít vị khách ở Hà Nội vẫn nán lại mua dưa chuột ủng hộ người nông dân.
Theo các thành viên nhóm giải cứu dưa chuột, toàn bộ chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa của hoạt động này do nhóm chịu trách nhiệm. Nếu đợt giải cứu dưa thành công, có lãi, số tiền sẽ được trích ra để làm tình nguyện, xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em vào tháng 7 năm nay.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ hoạt động của nhóm, không ít vị khách khi mua dưa chuột cũng bày tỏ sự lo lắng, bởi điệp khúc giải cứu nông sản trong thời gian gần đây nở rộ. "Cách làm này chỉ giải quyết được vấn đề tức thời, nhưng lâu dài thì không ổn. Nhà nước làm thế nào để nông dân sản xuất bền vững mới là quan trọng", anh Thái (một khách hàng) bày tỏ quan điểm.
Nhịp sống kinh tế