MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng trăm ngàn môi giới BĐS lao đao vì thất nghiệp, đâu là “cứu cánh” của họ trong và sau dịch Covid-19?

05-08-2021 - 14:59 PM | Bất động sản

Hàng trăm ngàn môi giới BĐS lao đao vì thất nghiệp, đâu là “cứu cánh” của họ trong và sau dịch Covid-19?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh tới toàn thị trường bất động sản, hàng trăm ngàn môi giới là những người lao đao nhất lúc này. Giới chuyên gia cho rằng để có thể tiếp tục tồn tại với nghề, thì môi giới cần phải lên kế hoạch bài bản hơn, thậm chí còn phải chuẩn bị bước đệm thật chắc chắn hơn sau dịch.

Chuẩn bị kỹ lưỡng mọi tình thế

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 đã khiến cho thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào thế "đóng băng". Tình thế này khiến cho không chỉ doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế khó, mà trong đó khoảng hơn 2/3 số lượng môi giới liên quan đến lĩnh vực này lao đao vì bị mất việc làm.

Nhiều môi giới thậm chí 5-6 tháng liền không có đồng thu nhập nào, một mặt vì không có sản phẩm để bán, hoặc có sản phẩm nhưng không bán được, một số khác thì bị chủ đầu tư nợ phí hoa hồng khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Một số môi giới tiết lộ, trên thực tế những khó khăn mà họ gặp phải không thua kém gì các công nhân bị mất việc nhiều tháng qua tại Tp.HCM.

Trước tình cảnh này, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo môi giới cần phải hết sức tỉnh táo ngay thời điểm này, bởi nếu không có cách xoay chuyển tình thế một cách tốt nhất thì môi giới rất dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí càng lún sâu hơn khi dịch qua đi.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa biết bao giờ sẽ dừng lại, do đó môi giới không nên chỉ "ngồi chơi xơi nước"rồi kỳ vọng 1-2 tháng nữa dịch bệnh sẽ không còn mà phải chuẩn bị cho tình huống xa hơn. Môi giới cũng đừng trông chờ mọi thứ sẽ quay về như cũ, đừng mong khi hết dịch toàn thị trường sẽ quay lại tốt đẹp như trước đây mà phải xác định rõ tư tưởng rằng ngành nghề này thậm chí còn có thể thê thảm hơn bây giờ.

Môi giới hãy đặt câu hỏi nếu mọi thứ vẫn đang tiếp diễn như vậy cho đến 3-4 tháng nữa hoặc đến Tết thì cần phải làm gì để vượt qua. Sales bất động sản là một nghề đặc thù khi phụ thuộc rất nhiều vào các dự án bất động sản. Do đó, môi giới cũng cần phải chuẩn bị trước tình thế, nếu dịch không thể hết kịp trong thời điểm từ giờ đến cuối năm, thì môi giới sẽ có phương án gì dự phòng để lấp đầy khoảng trống về thu nhập.

Trong thời gian này, môi giới cần phải tự chuẩn bị một công việc có thể mang lại nguồn thu nhập cố định khác. Một số công việc như bán hàng online, bán rau, bán trái cây… trong mùa dịch là những công việc được gợi ý cho môi giới bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn. Không thể xem việc làm tại nhà chỉ là tạm bợ, qua loa, rồi ỉ i chờ dịch qua thì sẽ mất dần hiệu quả. Nhiều môi giới cho rằng đây chỉ là việc làm tạm thời nên rất dễ nản, có thể tuần đầu rất sung sức, nhưng tuần 2 sẽ giảm dần và tuần thứ 3 thì tệ hẳn...

Do đó, theo chuyên gia môi giới cần vạch rõ kế hoạch, hướng đi phù hợp nhất để công việc luôn hiệu quả. Bởi nếu mỗi cá nhân môi giới không thể tạo ra hiệu quả về công việc thì đồng nghĩa không có thu nhập, công ty không có doanh thu. Và nếu công ty nơi môi giới đó làm việc không thể trụ nổi trong dịch thì hàng trăm nhân viên khác cũng sẽ mất việc, từ đó sẽ có hàng trăm ngàn môi giới trở nên thất nghiệp trong và sau dịch.

Tận dụng "cơ trong nguy"

Anh Trần Văn T., một nhà đầu tư lâu năm tại Tp.HCM dành lời khuyên cho môi giới trong giai đoạn này, đó là hãy ngồi với team với lãnh đạo của mình, để dự đoán các kịch bản xảy ra và tận dụng khoảng thời gian này tích luỹ kiến thức và kết nối khách hàng tốt hơn. Đừng xem dịch là giai đoạn để nghỉ ngơi, mà phải biết tận dụng các cơ hội làm việc giãn cách để tích lũy thêm kiến thức trong nghề, kiến thức về thị trường bất động sản, pháp lý các dự án, trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, tích cực tương tác với khách hàng thân thiết… để giữ mối quan hệ.

Bởi nếu môi giới quá thụ động, chỉ ỉ i chờ dịch qua mà không có hành động nào cụ thể thì đi sẽ bị rơi nhịp so với thị trường. Theo anh T., dịch bệnh còn có khả năng kéo dài đến tận năm 2022, kể cả sau khi dịch đã đi qua thì thị trường vẫn còn tiếp tục khó khăn, ít nhất phải mất từ 3-6 tháng sau dịch thì mới có thể ổn định trở lại. Do đó, môi giới phải chuẩn bị một kế hoạch dài hơi hơn, ít nhất là 12 tháng thì mới có thể trụ lại với nghề.

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đã có sự thích ứng tốt hơn so với thời điểm dịch mới bùng phát. Mỗi công ty sẽ có mỗi chiến lược và cách thức khác nhau để vượt qua khó khăn, để sinh tồn hoặc phát triển trong nguy cơ. Do đó, môi giới cũng cần tự suy ngẫm lại quãng thời gian đã đi qua, cân nhắc xem bản thân có hợp với nghề, có cùng tư duy với lãnh đạo của mình hay không? Nếu không tìm thấy các điểm phù hợp thì ngay lập tức phải chuyển hướng nghề nghiệp, hoặc tìm kiếm một công ty khác có văn hóa phù hợp hơn để tiếp tục đồng hành.

Đối với các môi giới bất động sản, có thể đây là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua. Nhưng đây cũng là cơ hội để môi giới nhìn nhận đúng bản chất của nghề, hiểu được tính bấp bênh của nó và biết cách thay đổi, tận dụng cơ hội, trau dồi thêm kiến thức và tiến tới một cấp độ cao hơn trong nghề. Hoặc nếu không thể, thì môi giới cũng đã có một trải nghiệm đáng nhớ với nghề, và hãy dùng chính những kinh nghiệm đã học hỏi được thời gian qua để nghiêm túc phát triển ở một môi trường khác phù hợp hơn.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên