Hàng trăm nghìn tấn thịt ngoại tràn vào Việt Nam từ đầu năm - Giá nhập khẩu chỉ 55,000 đồng/kg, nhiều nhất từ quốc gia này
Giá thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam còn rẻ hơn cả giá thịt lợn hơi xuất chuồng nội địa.
- 05-04-2024Mặt hàng xuất khẩu chủ lực top 6 của Việt Nam được Ấn Độ liên tục đổ tiền mua: Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, bỏ túi hơn 2 tỷ USD trong 2 tháng
- 01-04-2024'Vựa lúa dưới lòng đất' của Việt Nam được Malaysia đổ tiền thu mua hàng nghìn tấn: xuất khẩu tăng 3 chữ số, Trung Quốc rốt ráo săn lùng
- 27-03-2024Việt Nam sở hữu mặt hàng đang được cả thế giới săn lùng: giá tăng phi mã do xe điện Trung Quốc bùng nổ, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 105,14 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 213,15 triệu USD, tăng 44,1% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 42 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 29,54% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước, với 31,06 nghìn tấn, trị giá 94,62 triệu USD, tăng 58,3% về lượng và tăng 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung trong 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam từ đa số các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đáng chú ý như: Ba Lan, Hà Lan, Đức, Nga, Argentina, Úc…
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và thịt trâu có xu hướng tăng; trong khi nhập khẩu thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 8,46 nghìn tấn, với trị giá 18,69 triệu USD, tăng 4,3% về lượng, nhưng giảm 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu trung bình về Việt Nam ở mức 2.209 USD/tấn (khoảng 55.000 đồng/kg) , giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thịt lợn được nhập khẩu từ 19 thị trường, trong đó Brazil chiếm 39,64% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là Nga chiếm 32,22% và Canada chiếm 9,5%...
Đáng chú ý, với mức giá khoảng 55.000 đồng/kg, thịt lợn nhập khẩu còn rẻ hơn cả giá thịt lợn hơi xuất chuồng nội địa (58.000-63.000 đồng/kg). Giá rẻ cùng số lượng thịt nhập khẩu ngày càng tăng dẫn đến tình trạng khó kiểm soát chất lượng.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 95% sức tiêu thụ trong nước. Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nước ngoài và trong nước.
Trong tháng 3/2024, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có xu hướng tăng so với tháng trước. Hiện nguồn cung lợn ra thị trường đang tăng cao, nếu nhu cầu tiêu dùng thịt không tăng tương ứng, giá có thể quay đầu giảm trở lại.
Trong khi giá heo hơi duy trì đà tăng thì giá thức ăn chăn nuôi lại có xu hướng giảm. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý I/2024 giảm 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp những người chăn nuôi đều có lãi.
Nhịp sống thị trường