MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sở hữu mặt hàng đang được cả thế giới săn lùng: giá tăng phi mã do xe điện Trung Quốc bùng nổ, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn

27-03-2024 - 13:23 PM | Thị trường

Việt Nam sở hữu mặt hàng đang được cả thế giới săn lùng: giá tăng phi mã do xe điện Trung Quốc bùng nổ, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn

Hiện Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về sản lượng ở ngành hàng này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 2/2024, xuất khẩu cao su đạt 87,75 nghìn tấn, trị giá 129,94 triệu USD, giảm 58,3% về lượng và giảm 56,2% về trị giá so với tháng 1/2024. Nguyên nhân giảm do tháng 2/2024 có dịp nghỉ Tết Nguyên đán tại cả Việt Nam và Trung Quốc, nên hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 298,24 nghìn tấn, trị giá 426,92 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 16,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Về giá xuất khẩu: Tháng 2/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.481 USD/tấn, tăng 5% so với tháng 1/2024 và tăng 4,9% so với tháng 2/2023. Như vậy, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam đã tăng 6 tháng liên tiếp kể từ tháng 9/2023.

Việt Nam sở hữu mặt hàng đang được cả thế giới săn lùng: giá tăng phi mã do xe điện Trung Quốc bùng nổ, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn- Ảnh 1.

Tháng 2/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66,89% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 58,7 nghìn tấn, trị giá 84,12 triệu USD, giảm 40,5% về lượng và giảm 37,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 226,51 nghìn tấn cao su, trị giá 317,09 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 2/2024, lượng cao su xuất khẩu sang một số thị trường giảm so với tháng 2/2023 như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ,... Ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Nga, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ,... vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 2/2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang một số thị trường có tỷ trọng nhỏ nhưng đang tăng trưởng rất mạnh, tăng trên 100%. Cụ thể, xuất khẩu sang Pakistan trong tháng 2 đạt 329 tấn, tương đương 491 nghìn USD, tăng 165,3% về lượng và tăng 211% về trị giá so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng, quốc gia này nhập khẩu 1.326 tấn cao su từ Việt Nam, đạt kim ngạch hơn 1,9 triệu USD, tăng 304% về lượng và 400% về trị giá so với cùng kỳ.

Giá xuất khẩu trung bình sang thị trường này đạt 1.459 USD/tấn, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam sở hữu mặt hàng đang được cả thế giới săn lùng: giá tăng phi mã do xe điện Trung Quốc bùng nổ, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn- Ảnh 2.

Hiện giá cao su tự nhiên đang tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, hãng xe điện Tesla cho hay hãng này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất sang Đông Nam Á, nơi sản xuất cao su hàng đầu thế giới, nhấn mạnh thị trường khu vực này đang phát triển nhanh chóng, từ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su sản xuất lốp xe tăng lên. 

Cùng với đó, giá dầu thô tăng khi nhóm OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng và căng thẳng trên Biển Đỏ vẫn tiếp diễn, khiến giá cao su nhân tạo trở nên đắt đỏ hơn. Với vai trò hàng hóa thay thế, giá cao su tự nhiên đã nhận được lực hỗ trợ tốt.

Đặc biệt, tình hình mưa lớn kéo dài kết hợp cùng cảnh báo bão và lũ lụt xảy ra tại Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới khiến thị trường đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Tại Đông Nam Á, giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 1 thường là mùa cây cao su cho sản lượng cao. Tuy nhiên, vì tác động của thời tiết khắc nghiệt, người trồng cao su ở Thái Lan đã không thể gia tăng đủ sản lượng trong mùa cao điểm này. 

Giá cao su được dự đoán sẽ không hạ xuống cho đến khi mùa sản lượng thấp tại Đông Nam Á, kéo dài từ tháng Hai đến hết tháng Tư, kết thúc. Điều này mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.


Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên