Hàng trăm người dắt xe máy ngược chiều trên vỉa hè: "Dù biết là sai và đẩy như vậy mệt lắm nhưng cực chẳng đã..."
Nhiều người dân tham gia giao thông tại nút giao Mỗ Lao - Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội) vào giờ cao điểm, thường chọn cách dắt bộ xe máy đi ngược chiều dọc vỉa hè. Tuy mệt nhọc nhưng giải pháp này được xem là "con đường tắt" thân quen để họ không phải chịu cảnh ùn ứ khó chịu dưới lòng đường.
- 06-11-2018Người dân phải dắt bộ xe máy hàng trăm mét ngược vỉa hè để tránh ùn tắc: Hệ quả của xe buýt nhanh BRT?
- 05-11-2018Tránh CSGT phạt, đoàn cả trăm người dắt xe máy ngược chiều trên phố Hà Nội
Mỗi sáng, trên đoạn đường kéo dài chừng 400 mét từ nút giao Tố Hữu - Trung Văn (quận Hà Đông, Hà Nội), hàng trăm người dân lại cùng nhau dắt xe máy ngược chiều trên vỉa hè. Sau thời gian tăng cường lực lượng tại điểm nóng giao thông này, để tránh bị thổi phạt, người dân "né" chốt cảnh sát bằng cách dắt bộ. Thay vì phải đi vòng một quãng đường xa, họ chọn đi ngược chiều như vậy để tiết kiệm thời gian.
Tình trạng này diễn ra từ 6h sáng đến 8h30 hàng ngày. Người dân vô tư mặc định đây là "con đường tắt" thân quen mỗi ngày nếu không muốn "hoà" vào dòng người đang cố nhích từng tí một bên kia đường. Nếu không chọn giải pháp này, họ thường mất khoảng 15 đến 20 phút để băng qua được nút giao thông thường xuyên ùn tắc. Đoạn đường Tố Hữu dài chỉ khoảng 2km nhưng lòng đường vốn nhỏ hẹp khiến tình trạng giao thông ở đây trở nên vô cùng phức tạp.
Nút giao Mỗ Lao - Tố Hữu là một trong những điểm đen về ùn tắc.
Sáng sớm vào giờ cao điểm, dòng người cố gắng chen chân, nhích từng chút một.
Chính bởi lý do đó, hàng trăm người dân chọn cách dắt bộ phương tiện dọc vỉa hè.
Trước tình trạng người dân rồng rắn dắt xe bộ ngược chiều, lực lượng cảnh sát giao thông cho biết chưa có chế tài nào áp dụng để xử phạt. Riêng những trường hợp bất chấp điều khiển xe chạy ngược chiều trên vỉa hè sẽ bị lập biên bản và xử phạt hành chính.
Ngay trong sáng 7/11, đội cảnh sát giao thông đã tăng cường thêm lực lượng dọc vỉa hè này. Tình trạng người dân dắt bộ xe máy đi ngược chiều cũng giảm bớt. Đến khoảng 8h30, đoạn đường gần như được trả lại đúng hiện trạng ban đầu.
Khung cảnh "nhộn nhịp", "thân quen" mỗi buổi sáng tại đây.
Dắt bộ xe đi ngược chiều là "bài tập thể dục" dành cho người dân không muốn phải chen chân dưới lòng đường ùn tắc.
Mỗi sáng dắt xe trên quãng đường 400 mét với T.H. (19 tuổi, sinh viên) là một "cực hình". Không riêng gì H., nhiều người tham gia giao thông (nhất là phụ nữ), dắt xe một đoạn lại dừng chân thở hắt, mệt nhọc. Tuy nhiên, giải pháp này với H. được xem là "con đường tắt" thân quen để không phải chịu cảnh ùn ứ khó chịu dưới lòng đường.
"Mình đẩy xe như này cũng mệt lắm chứ, nhưng mệt thì dừng nghỉ chút lại đẩy tiếp. Qua cầu là đến đoạn không tắc nữa. Dù biết đi ngược chiều là sai, nhưng cực chẳng đã mới làm vậy chứ ai muốn" - H. chia sẻ.
Với nhiều chị em phụ nữ, nếu muốn đi làm đúng giờ và chở con đến lớp không bị muộn, thì không còn cách nào ngoài việc dắt xe đi bộ dọc vỉa hè. Trong suy nghĩ của nhiều người, họ xem đây là hành động "thân quen" và bình thường, chẳng lạ lẫm gì.
"Tôi sống ở khu Mỗ Lão - Tỗ Hữu nhưng đi làm ở Mỹ Đình, Cầu Giấy. Nếu không muốn chậm giờ làm chỉ còn cách chịu khó dắt xe đi mấy trăm mét. Với chúng tôi, thực sự đó là giải pháp tối ưu nhất" - chị L. (quận Hà Đông) cho biết.
Đa phần người dân đều lấy lý do sợ muộn làm nên cực chẳng đã mới phải đi ngược chiều.
Người dân gồng mình, chịu khó dắt xe khoảng 400 mét vỉa hè.
Nhiều chị em cũng tranh thủ dắt xe cho kịp giờ làm.
Lực lượng CSGT thuộc Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho hay, đoạn đường Tố Hữu hay xảy ra tắc đường nên nhiều người tham gia giao thông thường xuyên đi ngược chiều để qua đoạn đường này dù biết vi phạm luật giao thông.
Đến 8h30 sáng 7/11, vỉa hè được trả về đúng hiện trạng ban đầu.
Trí Thức trẻ