MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng trăm tấn nông sản Hà Nội đang 'tắc' đầu ra

02-09-2021 - 08:16 AM | Thị trường

Các doanh nghiệp thực hiện livestream bán nông sản

Các doanh nghiệp thực hiện livestream bán nông sản

Hiện tại, nhiều nông sản của các huyện Hà Nội đang bị "tắc" lưu thông chưa kết nối được với người tiêu dùng. Hà Nội đang xây dựng kết nối tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng, siêu thị trên cả nước, góp phần hỗ trợ người chăn nuôi phát triển kinh tế bền vững...

Ngày 1/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức "Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021- Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và Nông sản, thực phẩm an toàn".

Hội nghị có sự tham gia của 16 huyện, 2 quận với 52 chủ thể có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và 75 chủ thể có sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cùng các đơn vị phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố...

Tại diễn đàn, đại diện Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, huyện có khoảng 100 tấn nhãn cần tiêu thụ (bình quân cần tiêu thụ 10 tấn/ngày), 50 tấn củ cải cần tiêu thụ (bình quân cần tiêu thụ 3 tấn/ngày).

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, huyện có 3 hộ chăn nuôi vịt lớn, mỗi ngày cung ứng 16.800 quả trứng và 2 hộ chăn nuôi gà, mỗi ngày cung ứng 14.000 quả trứng đạt tiêu chí VietGAP rất cần tiêu thụ.

Các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm mong muốn sẽ kết nối với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân Thủ đô. Điều này nhằm khắc phục đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội cho biết, thành phố xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Các phiên chợ sẽ diễn ra vào 20h30 tối thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 10/9.

Thí điểm mô hình làng thương mại điện tử

PGS.Tiến sĩ Đào Thế Anh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng thực tế của việc tham gia sàn thương mại điện tử hiện nay còn hạn chế về mặt số lượng, số sàn ít, nhà sản xuất tham gia cũng rất ít. Bởi vì đã tham gia sàn thương mại điện tử thì phải cung cấp rất nhiều thông tin như có mã VietGAP, mã vùng trồng, các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến nhận định, diễn đàn là cầu nối để người sản xuất, người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây là hoạt động rất hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, ý thức, tư duy của cơ quan quản lý nhà nước cũng như hệ thống phân phối đang thay đổi. Ngành nông nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các chương trình thí điểm mô hình làng thương mại điện tử, xã thương mại điện tử...


Theo Hiểu Minh

Tiền Phong

Trở lên trên