Hàng triệu người dân Hà Nội lo giá BĐS sẽ tăng mạnh trong năm 2020 sau đề xuất này của liên ngành thành phố
Liên ngành thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh giá đất tăng bình quân khoảng 30%, thông tin này đang khiến nhiều người lo lắng sẽ đẩy giá nhà đất thủ đô tiếp tục tăng.
Mới đây, thành phố Hà Nội đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024.
Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019 là 162 triệu đồng/m2). Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Để xây dựng khung giá đất, liên ngành thành phố đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường với đất ở tại các quận phổ biến từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/m2. Một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm có giá chuyển nhượng cao đột biến như phố Hàng Bông, Hàng Bạc với mức trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt có giá chuyển nhượng hơn 900 triệu đồng/m2.
Thành phố Hà Nội cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường; góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai; hài hoà lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giá khảo sát thực tế thành phố đưa ra vẫn thấp hơn nhiều với giá các đơn vị bất động sản công bố trước đó.
Dự thảo Nghị quyết bảng giá đất trên sẽ được trình HĐND xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 12 tới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá đất tăng sẽ tác động mạnh mẽ đến giá nhà đất tại thủ đô cả phân khúc BĐS thổ cư và BĐS dự án bởi giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc tăng giá này cũng sẽ chưa tác động ngay đến giá nhà đất trong năm 2020 bởi hiện nay các dự án đang mở bán trên thị trường và chuẩn bị mở bán trong năm 2020 đều là những dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Đứng ở góc độ người dân, nhiều người tỏ ra lo lắng bởi hiện nay giá nhà đất tại Hà Nội đang ở mức quá cao, nếu giá đất tăng 30% nữa thì sẽ tác động lớn lên thị trường, đẩy giá nhà đất, chung cư...tiếp tục tăng trong những năm tới. Cơ hội mua nhà Hà Nội của người dân sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Được biết, báo cáo của các đơn vị nghiên cứu gần đây cho thấy, nhà mặt phố và nhà riêng tại Hà Nội hiện nay vẫn tăng dần đều qua các năm. Cụ thể, ở khu vực các quận, huyện ven Hà Nội như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, mức tăng cao nhất của phân khúc nhà mặt phố thuộc về huyện Gia Lâm với mức tăng đạt khoảng 64%. Tức là từ khoảng giá 30 triệu đồng/m2 năm 2015 tăng lên khoảng giá 60 triệu đồng/m2. Tại quận Bắc Từ Liêm, nhà mặt phố từ 85 triệu đồng/m2 vào năm 2015, tăng lên mức 100 triệu đồng/m2 vào năm 2018; mức tăng tương đương 19%.
Đối với phân khúc nhà riêng, giá tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông tăng 13-16%. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2018, nhà riêng ở quận Bắc Từ Liêm tăng giá 16%, từ mức dưới 60 triệu đồng/m2, tăng gần 70 triệu đồng/m2; tại quận Long Biên tăng giá 13%, từ mức khoảng 57 triệu đồng/m2 tăng lên mức gần 65 triệu đồng/m2.
Còn tại các quận trung tâm, từ năm 2015 đến 2018, nhà mặt phố ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân đều tăng giá nhưng tốc độ tăng chậm hơn. Trong đó, Hoàn Kiếm có mức tăng trung bình cao nhất với 17%, từ khoảng giá 400 triệu đồng/m2 năm 2015, tăng chạm mức 500 triệu đồng/m2 vào năm 2018. Trong khi đó, các quận còn lại, mức tăng dao động từ 7-15%.
Đối với phân khúc nhà riêng ở khu vực các quận trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, mức tăng từ năm 2015 đến 2018 khoảng 1-7%. Trong đó, quận Hoàn Kiếm tăng cao nhất, từ khoảng giá 110 lên 120 triệu đồng/m2.
Đối với phân khúc chung cư, thời gian gần đây, các dự án chung cư mới được bung ra đều thiết lập mặt bằng giá mới cao ngất ngưởng, nếu trước kia dự án hạng sang chỉ có giá dưới 100 triệu đồng/m2 thì nay con số này đã lên đến vài trăm triệu đồng.
Tại Hà Nội, nếu như trước kia các dự án chung cư cao cấp có mặt bằng giá chung ở mức 30-40 triệu đồng/m2, phân khúc hạng sang 50-80 triệu đồng thì nay không hiếm các dự án cao cấp có giá lên 50 - 70 triệu đồng/m2 và có những chung cư hạng sang có giá đến vài trăm triệu trên mỗi m2.
Có thể kể đến những cái tên như Tổ hợp căn hộ cao cấp King Palace, số 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân của Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào có giá bán 50-70 triệu đồng/m2, có những căn hộ tại dự án này lên đến trên 10 tỷ đồng. Dự án căn hộ cao cấp The Zei (Mỹ Đình) vừa được Chủ đầu tư HD Mon Holdings chào bán gần đây cũng có giá lên đến trên 50 triệu đồng/m2. Hay như dự án Lancaster 20 Núi Trúc cũng mở bán lại quỹ căn giới hạn với giá chuyển nhượng khoảng trên 80 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, thị trường cũng ghi nhận giá bán dự án T-Place ngay gần Hồ Gươm cao kỷ lục 300 triệu đồng/m2, căn hộ lớn nhất tại đây có giá đến 30 tỷ đồng hay như dự án căn hộ khách sạn Hanoi Golden Lake gần gồ Giảng Võ cũng có giá ở mức cao ngất ngưởng 150 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 7 tỷ đồng/căn.
Trong một nghiên cứu mới đây của Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tốc độ tăng giá bất động sản trong chu kỳ 3 năm sốt đất và một thập niên gần đây. Kết quả cho thấy trong giai đoạn 2016-2018, người Việt khó mua được bất động sản bằng tiền tích lũy vì giá đất tăng quá nhanh.
Theo đó, trong 3 năm cơn sốt đất lan rộng cả nước 2016-2018, người dân không kịp tạo ra dòng tiền tích lũy để mua bất động sản vì tốc độ kiếm tiền quá chậm so với các đợt tăng giá đất. Trong ba năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Trong giai đoạn này, nếu người Việt tiết kiệm và chỉ trông đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là không tưởng.