Hàng triệu người dùng thẻ tín dụng cần phải biết những rủi ro rất dễ xảy ra khiến "tiền mất tật mang"
Phần lớn khách hàng đều nghĩ chỉ khi nào sử dụng thẻ tín dụng thì mới phát sinh các loại phí liên quan. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm khách hàng mở thẻ tín dụng, ngân hàng đã bắt đầu tính một số loại phí.
Trong bài tham luận Phát triển thẻ tín dụng nội địa hướng tới tài chính toàn diện" tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" do Báo Lao Động tổ chức mới đây, TS. Đỗ Thị Hà Thương – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: "Thẻ tín dụng nội địa được coi là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo đuổi nhằm giúp người dân đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, một số khách hàng không muốn sử dụng thẻ tín dụng nội địa vì lo ngại các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thẻ".
TS. Đỗ Thị Hà Phương cũng nêu ra 3 rủi ro lớn mà khách hàng sử dụng thẻ tín dụng có thể gặp phải.
Đầu tiên, rủi ro đến từ sự thiếu hiểu biết của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng tồn tại lãi suất cùng các loại phí khác nhau. Các khoản lãi và phí này chỉ được miễn khi khách hàng thực hiện thanh toán đúng hạn. Vì khoản tiền được cấp trong thẻ tín dụng thực chất là một khoản vay ngân hàng đặc thù kèm theo các điều khoản phạt trả chậm và lãi chồng lãi nếu chủ thẻ không thanh toán nợ đúng hạn, nghĩa là khoản vay này cứ tăng lên mỗi ngày và tích lũy thành một món nợ khổng lồ với chủ thẻ. Bên cạnh đó, một số khách hàng khi chưa có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng nhưng không khóa thẻ.
Phần lớn khách hàng đều nghĩ chỉ khi nào sử dụng thẻ tín dụng thì mới phát sinh các loại phí liên quan. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm khách hàng mở thẻ tín dụng, ngân hàng đã tính phí thường niên khoảng 100.000 – 300.000 đồng tùy từng ngân hàng.
Mặc dù, phần lớn các ngân hàng đều miễn phí thường niên năm đầu nhưng nếu khách hàng không thanh toán phí thường niên từ năm thứ hai thì khoản phí này được coi là khoản tiền nợ của khách hàng và ngân hàng sẽ tính lãi. Khoản lãi chồng lãi tăng qua từng năm trở thành món nợ lớn đối với khách hàng. Trên thực tế, khách hàng không biết đến khoản nợ này và chỉ đến khi khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì mới phát hiện có khoản nợ xấu tại ngân hàng.
Thứ hai là rủi ro đến từ thanh toán điện tử. Với sự phát triển mạnh của công nghệ số, việc thanh toán thông qua các nền tảng kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến. Những đối tượng xấu có thể tạo ra các website giả mạo, sau đó yêu cầu khách hàng điền thông tin tài khoản ngân hàng hay thông tin thẻ tín dụng để đăng nhập và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Thứ ba là rủi ro về mạo nhận danh tính. Những đối tượng xấu sử dụng rất nhiều kĩ thuật để thực hiện hành vi đánh cắp mã pi, hoặc chi tiết thông tin thẻ tín dụng để thực hiện bất kì giao dịch mà không có sự cho phép của chủ thẻ. Do đó, dù không phải là người thực hiện giao dịch nhưng chủ thẻ lại là người chịu thiệt trong các hoạt động gian lận thẻ tín dụng này.
Theo TS. Đỗ Thị Hà Thương, để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa đòi hỏi khách hàng cần chú ý các vấn đề sau.
Thứ nhất, cần quan tâm đến ngày thanh toán thẻ tín dụng. Khách hàng hãy ghi nhớ ngày thanh toán để trả lại số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng. Nếu để quá hạn thanh toán trên sao kê, khách hàng sẽ phải trả mức phí phạt và lãi suất tương đối cao. Đây là điểm quan trọng mà khách hàng cần đặc biệt chú ý khi sử dụng thẻ tín dụng. Một số khách hàng chỉ thanh toán số dư nợ tối thiểu của thẻ tín dụng (khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ). Tuy nhiên, ngân hàng tính lãi trên toàn bộ số dư nợ phát sinh trong kỳ. Do đó, để được miễn lãi khi sử dụng thẻ tín dụng thì khách hàng cần thanh toán toàn bộ số dư nợ phát sinh trong kỳ đúng hạn. Để thuận lợi nhất thì khách hàng nên chọn ngày thanh toán liền kề sau ngày nhận lương để tránh việc trễ hạn thanh toán vì thiếu tiền.
Thứ hai, cần cẩn trọng với gian lận thẻ tín dụng. Người sở hữu thẻ tín dụng cần bảo mật thật kĩ số thẻ, mã xác minh CSC/CVC. CSC là viết tắt của Card Security Code – mã xác minh thẻ, gồm 4 chữ số được in ở mặt sau của thẻ. Mã CSC có vai trò bảo mật vô cùng quan trọng, nếu chẳng may để lộ, kẻ gian có thể lợi dụng mã CSC để sử dụng thẻ vào các giao dịch bất minh. Vì vậy, khách hàng hãy đảm bảo đã che kỹ mã CSC hoặc làm mờ, xóa mã CSC để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Không nên cung cấp thông tin của thẻ lên mạng xã hội hay tại các sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc. Đặc biệt khi thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng, khách hàng không nên đưa thẻ cho nhân viên mà nên yêu cầu họ cầm máy POS đến hoặc theo họ tới quầy và giám sát họ thực hiện thao tác.
Thứ ba, nên hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Tính năng chính của thẻ tín dụng là thanh toán mà không phải là rút tiền mặt do đó khách hàng nên hạn chế rút tiền. Mỗi giao dịch rút tiền mặt sẽ được ngân hàng tính lãi suất nếu không thanh toán đúng hạn.
Thứ tư, đối với thanh toán trực tuyến, trước khi thực hiện thanh toán trực tuyến, khách hàng cẩn kiểm tra xem website đó có phải giả mạo không thông qua việc xác nhận với người bán qua số điện thoại, thông qua lịch sử mua bán của website đó với các khách hàng khác.
Thứ năm, chủ động trong việc sử dụng thẻ. Khi khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ. Tính năng mở và khóa thể dễ dàng thực hiện trên app điện thoại. Khi khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch. Khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán trong ngày để kiểm soát các giao dịch.