MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng triệu người Trung Quốc trắng tay vì cho vay ngang hàng, thiệt hại vài trăm tỷ USD đi kèm rủi ro bất ổn xã hội mùa dịch Covid-19

30-12-2020 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Hàng triệu người Trung Quốc trắng tay vì cho vay ngang hàng, thiệt hại vài trăm tỷ USD đi kèm rủi ro bất ổn xã hội mùa dịch Covid-19

"Bạn cần phải đặt nghi vấn về bất cứ sản phẩm nào khi cam kết lợi suất vượt quá 6%. Nếu con số này vượt quá 8% thì chúng vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng vượt quá 10% thì bạn nên chuẩn bị tâm lý mất sạch tiền đi là vừa", Chủ tịch Shuqing cảnh báo.

Cô Karen Kong đã chẳng thể ngủ ngon trong vòng 6 tháng nay sau khi biết mẹ mình đổ toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình, khoảng hơn 1 triệu Nhân dân tệ tương đương 153.000 USD vào mảng cho vay ngang hàng (P2P).

Cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending hay P2P Lending) là việc các cá nhân trực tiếp vay và cho vay lẫn nhau, thường được thực hiện thông qua các nền tảng website trực tuyến. Do chi phí vận hành thấp nên người vay có thể dễ dàng nhận được những khoản tín dụng nhỏ, điều khó thực hiện được qua các ngân hàng truyền thống. Đổi lại các cá nhân có nhu cầu cho vay có thể kiếm lời hơn so với việc gửi ngân hàng.

Tuy nhiên hình thức này hàm chứa quá nhiều rủi ro khi sự ràng buộc thấp, người vay tiền dễ trốn nợ. Dẫu vậy nhiều nền tảng P2P vẫn quảng cáo rằng lãi suất cao khiến chỉ cần một phần các khoản vay nhỏ trả đủ lãi là họ đã có lời, qua đó lừa được vô số nhà đầu tư.

Hình thức cho vay P2P này hiện vô cùng phổ biến tại Trung Quốc mà ông lớn đầu tàu không ai khác chính là Alibaba với Ant Group, đối tượng đang bị chính phủ thanh tra.

Lo lắng của cô Kong sớm thành hiện thực khi nền tảng P2P mà mẹ cô đầu tư là Jieyue United bị liệt vào danh sách phải đóng cửa của Chính phủ và cơ hội lấy lại được tiền của gia đình cô ngày càng nhỏ.

"Chẳng ai cho tôi biết về thời hạn giải quyết khiếu nại hay thậm chí trả lời các thắc mắc của chúng tôi. Rất nhiều khoản đầu tư là tiền tiết kiệm cả đời hay lương hưu của người già. Họ sẽ sống ra sao nếu mất số tiền đó?", cô Kong lo lắng nói khi những lá đơn kêu cứu không được chính quyền địa phương hồi đáp.

Bóng bóng kinh doanh P2P tại Trung Quốc hiện đang sụp đổ hoàn toàn sau khi các quan chức ngân hàng nước này tuyên bố đóng cửa hàng loạt nền tảng trong ngành vào tháng 11/2020. Tuy nhiên quả bom tài chính này vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn khi hàng triệu gia đình đã đầu tư nhiều tỷ Nhân dân tệ giờ đây trắng tay và tạo nên những rủi ro xã hội nghiêm trọng.

Vào tháng 8/2020, các quan chức Trung Quốc cho biết khoảng 800 triệu Nhân dân tệ, tương đương 122,7 tỷ USD tiền đầu tư cho P2P vẫn chưa được hoàn trả sau các thông báo ngừng hoạt động của mảng này.

Bong bóng P2P

Nền tảng P2P lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc cách đây 14 năm và ngành này nhanh chóng bùng nổ nhờ sự phát triển của thương mại điện tử, Internet, thanh toán trực tuyến… Trên thực tế vào năm 2014, chính quyền Bắc Kinh đã kỳ vọng thúc đẩy ngành tài chính điện tử nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, đối tượng khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng trong nhiều năm qua.

Sự bùng nổ của P2P đã khiến làm thay đổi ngành tài chính Trung Quốc khi hơn 10.000 nền tảng P2P xuất hiện và kêu gọi vốn trên toàn quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, những nền tảng này xây dựng các văn phòng xa hoa ở những thành phố lớn. Hoạt động giao dịch P2P đã có lúc lên tới 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 460 tỷ USD.

Hàng triệu người Trung Quốc trắng tay vì cho vay ngang hàng, thiệt hại vài trăm tỷ USD đi kèm rủi ro bất ổn xã hội mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nền tảng Credit Ease, một trong những công ty P2P tiên phong từ năm 2006 thậm chí đã niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào năm 2015. Cổ phiếu của hãng này vượt ngưỡng 50 USD/cổ vào năm 2017 nhưng giờ đây rớt giá thê thảm chỉ còn hơn 3 USD/cổ.

Bước ngoặt quan trọng giết chết nền tảng P2P bắt đầu từ cuối năm 2017 khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhận ra rằng thị trường tài chính đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dịch vụ tín dụng online, qua đó quyết định dập tắt mảng kinh doanh này.

Vào tháng 6/2018, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc Guo Shuqing cảnh báo rủi ro về mô hình P2P với những lời quảng cáo thu lãi lớn. Theo ông Shuqing, rất nhiều nền tảng P2P gọi vốn bất hợp pháp và đơn giản là một mô hình lừa đảo đa cấp Ponzi, nghĩa là dùng tiền của thành viên mới trả cho người cũ.

"Bạn cần phải đặt nghi vấn về bất cứ sản phẩm nào khi cam kết lợi suất vượt quá 6%. Nếu con số này vượt quá 8% thì chúng vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng vượt quá 10% thì bạn nên chuẩn bị tâm lý mất sạch tiền đi là vừa", Chủ tịch Shuqing cảnh báo.

Theo thống kê của Wdzj.com, khoảng 56% số nhà đầu tư cho mảng P2P là những người làm công ăn lương, phần lớn còn không có bằng đại học và thu nhập hàng tháng của họ chỉ vào khoảng 5.000-10.000 Nhân dân tệ, tương đương 767-1.531 USD/tháng.

Theo chuyên gia Fraser Howie, mô hình P2P là hệ lụy của chính sách sử dụng công nghệ thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và người nghèo của Trung Quốc khi các ngân hàng truyền thống không giúp đỡ được những đối tượng này. Tuy nhiên có vẻ chính sách trên đã đem lại những hệ quả không mong muốn.

Quay lại trường hợp của cô Kong, người phụ này cho biết có khoảng 80.000 nhà đầu tư đang cố gắng lấy lại 14,1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 2,2 tỷ USD) từ nền tảng P2P Jieyue United. Rất nhiều người trong số họ là người già, thu nhập thấp và đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay.

Nguồn: Scmp

Theo Băng Tâm

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên