MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Trung Quốc tìm cách ‘khoác áo’ hàng Việt né thuế

26-07-2018 - 07:51 AM | Thị trường

Chính phủ và bộ, ngành Việt Nam cần có chính sách quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh bị đánh thuế oan.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng . Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác.

Khi đó nhiều khả năng hàng hóa Việt Nam sẽ hứng chịu đòn trừng phạt thuế rất cao của Mỹ.

Bài học “nóng hổi”

Nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây từ hàng Trung Quốc. Theo đó Mỹ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mức cao ngất ngưởng 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44% với thép Việt. Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế cao trên lên sản phẩm thép từ Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng “những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ”.

Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng đây là mức thuế vô cùng cao, gây cản trở doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Mỹ. Ông Sưa khẳng định thực tế, thời gian gần đây Việt Nam không có hiện tượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ. Việt Nam có thể chứng minh xuất xứ thép Việt không phải từ Trung Quốc.

“Hiệp hội khuyến cáo các công ty nên sử dụng thép cuộn cán nóng trong nước để sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn sơn phủ màu nhằm dễ dàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ để làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam” - ông Sưa nói thêm.

Hàng Trung Quốc tìm cách ‘khoác áo’ hàng Việt né thuế - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra bột ngọt đựng trong bao bì toàn tiếng Trung Quốc. Ảnh: TÚ UYÊN

Mặt hàng gỗ cũng đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây từ hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ, núp bóng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, thông tin: Hiện nay có nhiều công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất đồ gỗ tại các tỉnh phía Nam. Nếu các công ty Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam nhằm thay đổi xuất xứ, chứng từ để xuất khẩu sẽ là mối nguy lớn cho hàng Việt.

“Với sự tham gia của các nhà sản xuất Trung Quốc, xuất khẩu đồ gỗ xuất xứ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng đột biến gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đồ gỗ tại Mỹ. Nếu tình trạng này xảy ra, phía Mỹ sẽ chú ý đến mặt hàng gỗ và dẫn đến bị áp thuế chống bán phá giá, gây thiệt hại lớn cho chúng ta” - ông Hạnh cảnh báo.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng lo lắng các nhà đầu tư ngành dệt may, da giày Trung Quốc sẽ đổ sang Việt Nam. Bên cạnh những nhà đầu tư thật sẽ có những công ty chỉ mượn Việt Nam làm nơi trung chuyển, nghĩa là chỉ đặt nhà máy ở nước ta, nhập hàng bán thành phẩm vào và chỉ thêm vài công đoạn cuối gắn xuất xứ made in Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.

Cân nhắc thành lập khu thương mại chung

Theo South China Morning Post, mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập bảy khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), một chuyên gia am hiểu về thị trường Trung Quốc nói ông “kịch liệt phản đối việc thành lập khu vực thương mại xuyên biên giới” với Việt Nam.

Lý do, theo ông Thành, các khu vực thương mại xuyên biên giới này có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế. Bởi các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được dán nhãn có xuất xứ từ Việt Nam hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Khi đó các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ cố gắng chuyển các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế khi xuất trực tiếp tới Mỹ sang “khoác áo” các nước thành viên ASEAN. Hàng hóa Việt Nam sẽ bị vạ lây khi Mỹ đánh thuế vì có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc” - ông Thành cảnh báo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không cần thiết phải thành lập các khu kinh tế hợp tác xuyên biên giới. Điều quan trọng là hai nước hợp tác giải quyết các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu làm khó doanh nghiệp , tạo điều kiện cho hàng hóa luân chuyển thông thoáng. Hơn nữa, thành lập khu kinh tế hợp tác liên quốc gia tốn thêm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý…

“Các khu kinh tế hợp tác xuyên biên giới mà Trung Quốc đề xuất rủi ro rất cao vì hàng hóa trong khu vực này nguy cơ bị đánh tráo xuất xứ. Hàng Trung Quốc có thể dán mác Việt Nam, Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển cho hàng Trung Quốc né thuế. Chính phủ và bộ, ngành Việt Nam cần có chính sách quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh bị đánh thuế oan” - ông Hiếu phân tích.

Đề nghị thành lập bảy khu thương mại

Theo South China Morning Post, các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc mới đây đề xuất thành lập bảy khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố khu Sùng Tả của Trung Quốc.

Các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn "made in Vietnam" hay "made in China". Bên cạnh đó, các khu vực thương mại xuyên biên giới có thể là nơi cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu muốn vận chuyển qua các quốc gia khác, thậm chí di dời các hoạt động sản xuất đến đây…

Có thể vào diện theo dõi đặc biệt

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng cho rằng sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục diễn ra. Do đó, cơ quan quản lý của Việt Nam cần cảnh giác với chiêu núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ.

"Nếu tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc tăng đột biến, đặc biệt nhập khẩu đơn hàng nguyên liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, Việt Nam có thể bị vào diện theo dõi đặc biệt từ Mỹ và nguy cơ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp" - ông Hồng nêu rõ.

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên