MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng vạn cành hoa Đà Lạt không xuất khẩu được phải đổ bỏ, Bộ Nông nghiệp nói gì?

Việc cấm sử dụng hoạt chất thuốc diệt cỏ gây bệnh ung thư Glyphosate được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố trước 2 năm. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật không thể gia hạn cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng để xuất khẩu hoa tươi sang Úc.

Liên quan đến phản ánh của Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) tại Lâm Đồng phải tiêu hủy hàng vạn cành hoa trong hơn 10 ngày qua khi không được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sang Úc, ngày 14/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate đã được ra quyết định từ tháng 4/2019 và có lộ trình cụ thể. Sau ngày 30/6, Việt Nam mới chính thức cấm sử dụng hoạt chất này.

Hàng vạn cành hoa Đà Lạt không xuất khẩu được phải đổ bỏ, Bộ Nông nghiệp nói gì? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật


Trong 2 năm vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật không cho phép bất kỳ đơn vị nào nhập hoạt chất này vào Việt Nam. Việc này được phổ biến rộng rãi với cả doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối thuốc bảo vệ thực vật, bởi hầu như toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam hiện nay đều phải nhập từ nước ngoài.

Theo ông Trung, hiện nay, hoa của Việt Nam xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới, trong đó có Úc. Trong đó, chỉ có 2 loại hoa là hoa cúc và hoa cẩm chướng được yêu cầu xử lý cắt cành phải sử dụng hoạt chất Glyphosate một lượng rất nhỏ để ngâm cành hoa trong 20 phút nhằm triệt tiêu sự nảy mầm.

"Trước thời điểm ngày 30/6, Cục Bảo vệ thực vật đã liên tục có các văn bản về lộ trình cấm hoạt chất Glyphosate đến các đơn vị, tổ chức, địa phương có lượng rau, hoa, quả dùng để xuất khẩu lớn, trong đó có Đà Lạt nói chung và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm nói riêng. Thậm chí, trực tiếp tôi đã có làm việc, thuyết phục Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm bỏ dùng hoạt chất Glyphosate và tìm hoạt chất khác thay thế", ông Trung nói.

Được biết, 2 hoạt chất thay thế đã được khảo nghiệm trên mẫu hoa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm và cũng đã được gửi sang Bộ Nông nghiệp Úc để xem xét.

"Phía Úc đã đồng ý xem xét việc này. Chúng tôi cũng có những trao đổi thường xuyên về các yêu cầu bảo vệ thực vật của hai nước để thuận lợi cho xuất nhập khẩu thực vật giữa Úc và Việt Nam", ông Trung nói.

Cục Bảo vệ thực vật đã điều tra và được biết, vừa qua có 2 container hoa xuất khẩu sang Úc phải đổ bỏ do không đạt yêu cầu từ phía nhập khẩu. Ngoài ra, có một lượng hoa do khó khăn vận chuyển, tiêu thụ nội địa do tình hình hình kiểm soát chặt chẽ của dịch COVID-19 nên cũng phải bỏ đi chứ không phải do vấn đề cấm hoạt chất Glyphosate.

Trước đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm thông tin, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, từ ngày 1/7/2021, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước.

Trong khi đó, hàng chục năm qua Dalat Hasfarm sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa trong 20 phút trước khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc. Điều đáng nói, hoạt chất Glyphosate được Úc, Nhật Bản là những nước nhập khẩu hoa Đà Lạt chấp nhận.

Do quy định này nên hơn 10 ngày qua, Tổ Kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) từ chối không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc. Do đó, Dalat Hasfarm phải chở khoảng 700.000 cành hoa cúc, cẩm chướng về lại trang trại ở Đạ Ròn (Đơn Dương) để tiêu hủy.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên