Hàng Việt vẫn chưa thể thắng thế trên sân nhà
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hàng Việt vẫn chưa thể giành thắng lợi trên sân nhà trước hàng ngoại.
- 25-11-2016Hàng Việt yếu ớt vì gánh 40 tỉ USD
- 21-11-2016Hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
- 12-11-2016Miễn thuế hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Qua 7 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dù đã có những kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, hàng Việt vẫn chưa thể giành thắng lợi trên sân nhà trước hàng ngoại.
Tích cực đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại Quảng Ninh (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)
Tại Quảng Ninh, người dân ở những huyện miền núi như Đầm Hà, Ba Chẽ... thường tiếp cận với hàng hoá sản xuất ở trong nước từ những đại lý bán lẻ, của hàng, tạp hoá. Còn các kỳ hội chợ để tiếp cận với hàng Việt số lượng ít, diễn ra 1 lần/năm với thời gian ngắn, không cố định. Người dân cũng cho rằng mặt hàng, mẫu mã, số lượng của những sản phẩm được trưng bày tại các cuộc hội chợ không phong phú đa dạng.
Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thường chỉ tập trung vào một số đợt cao điểm trong năm, chưa đi sâu và nhân rộng các nơi điển hình thực hiện tốt cuộc vận động.
Phan Thị Thiết, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà chia sẻ: Vừa qua, có hội chợ các mặt hàng Việt. Tuy nhiên, dù giá rẻ nhưng vẫn ế khách vì đa phần các mặt hàng được trưng bày là hàng tồn, hàng đọng, mẫu mã không, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân".
Ở khía cạnh khác, hiện nay, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được người dân ở những huyện vùng biên lựa chọn. Bởi giá thành rẻ, mẫu mã hợp thị hiếu, phù hợp với số đông người có thu nhập thấp. Điều này vô hình dẫn tới những khó khăn của công tác quản lý, đấu tranh với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai cuộc vận động do nạn hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại đang hoành hành.
"Quảng Ninh bị chịu những sức ép của hội nhập tương đối sâu rộng, sản xuất hàng hóa của Quảng Ninh cũng chịu sức ép rất lớn, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Chất lượng của một số mặt hàng trong nước sản xuất, không chỉ riêng Quảng Ninh, thì cũng chưa thật sự tốt, vận động đến từng đơn vị nhưng hàng hóa không tốt thì bà con cũng không dùng", ông Thành cho hay.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý gần 6.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với tổng giá trị hàng hóa thu và xử lý vi phạm hành chính hơn 52 tỷ đồng.
Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao khiến các đối tượng đẩy nhanh, mạnh việc nhập hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng về bán trong nội địa.
Kiểm tra thực tế, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Quảng Ninh, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đánh giá: Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thực sự có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay thì cần có những giải pháp đồng bộ từ sản xuất, tiêu dùng, xây dựng thương hiệu đến xúc tiến thương mại, cùng với đó là sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân./.
VOV