MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt 'xuất ngoại' qua kênh phân phối hiện đại

15-06-2021 - 08:32 AM | Thị trường

Không chỉ là cầu nối tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, mà nhiều sản phẩm Việt còn rộng cửa “bay” ra thế giới thông qua kênh phân phối hiện đại.

Từ lâu, nhiều mặt hàng nông sản trong nước được xuất khẩu sang Singapore thông qua kênh siêu thị. Đơn cử, sau cái “bắt tay” với đối tác NTUC Fair Price Singapore, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op đã đưa nhiều mặt hàng trái cây tươi như vải, bưởi da xanh, thanh long... sang quốc gia này. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trung bình một năm đơn vị thu về gần 2 triệu USD cho mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Singapore.

Theo đại diện Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Tập đoàn TCC - Thái Lan), mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên số lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam qua kênh phân phối ra nước ngoài vẫn đạt kết quả tích cực. Sau hơn 2 năm nỗ lực đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài, MM Mega Market Việt Nam đã đạt tổng lượng xuất khẩu hơn 3.000 tấn. Ngoài các mặt hàng rau, củ, quả được xuất khẩu ổn định sang Thái Lan và Singapore, Mega Market Việt Nam cũng đa dạng hóa sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu đến những thị trường mới như Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc).

“Các sản phẩm khi phân phối đi nước ngoài đòi hỏi rất cao về chất lượng và độ an toàn. Do đó, MM Mega Market Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với nông dân Việt Nam để họ cung cấp sản phẩm đạt chất lượng cho các trạm trung chuyển nông sản ở Đà Lạt, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, từ đó tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn nữa” – đại diện hệ thống siêu thị này chia sẻ.

 Hàng Việt xuất ngoại qua kênh phân phối hiện đại  - Ảnh 1.

Hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Singapore qua hợp tác của Saigon Co.op với NTUC FairPrice

Có hệ thống bán lẻ với hơn 16.000 trung tâm, cửa hàng tại Nhật Bản và các nước, Aeon hứa hẹn là “cửa ra” hiệu quả cho hàng Việt Nam. Việc hàng hóa Việt Nam được bày bán rộng rãi tại chuỗi siêu thị Aeon cũng như các chuỗi siêu thị lớn khác của Nhật Bản sẽ mở ra thêm một cơ hội mới cho hàng hoá, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.Trong khi đó, ở thị trường Nhật Bản, Aeon đặt mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2025. Lãnh đạo Aeon Việt Nam khẳng định, sẵn sàng làm “bệ đỡ” cho hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Ngoài mặt hàng thực phẩm tươi sống, một số loại trái cây Việt đã vào hệ thống Aeon. Cụ thể, trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản và cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan.

Đặc biệt, năm 2020 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam thâm nhập được vào một thị trường khó tính như Nhật Bản. Sau những nỗ lực liên tục của cơ quan chức năng hai nước cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, những trái vải tươi Việt Nam được bán đầu tiên tại chuỗi siêu thị Aeon với giá cao đã gây được tiếng vang trong dư luận hai nước, đem lại những thành công bước đầu cho xuất khẩu vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để trở thành nhà cung ứng và đạt được doanh số cao trong các kênh phân phối đa quốc gia, doanh nghiệp phải đáp ứng và duy trì các tiêu chuẩn đã cam kết từ đầu trong suốt quá trình cung ứng. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải xác định chính xác phân khúc thị trường, thị hiếu khách hàng để có sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thường xuyên phát triển sản phẩm mới, tạo ra các giá trị khác biệt và có chiến lược truyền thông hiệu quả mới có thể thu hút được khách hàng. Trên hết, người tiêu dùng thường ưu tiên lựa chọn nhãn hàng quen thuộc, vì vậy các doanh nghiệp cần kiên trì xây dựng thương hiệu và tạo ra động lực thay đổi thói quen tiêu dùng của thị trường.

Theo Uyên Phương

Tiền Phong

Trở lên trên