MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãng xe máy Ấn Độ vừa “nhảy” vào Việt Nam khi thị trường bão hoà, hơn 80% thị phần trong tay Honda: Dựa vào đâu “tân binh” vẫn lên kế hoạch xây nhà máy?

29-11-2023 - 12:09 PM | Doanh nghiệp

Hãng xe máy Ấn Độ vừa “nhảy” vào Việt Nam khi thị trường bão hoà, hơn 80% thị phần trong tay Honda: Dựa vào đâu “tân binh” vẫn lên kế hoạch xây nhà máy?

"Nhưng người Việt cũng cởi mở với cái mới, nhất là các sản phẩm chất lượng kèm giá cả phải chăng", đại diện TVS nói.

Mới đây, Công ty TVS Motor đến từ Ấn Độ công bố "nhảy vào" thị trường xe gắn máy Việt Nam.

Giá bán từ 26-36 triệu đồng/chiếc

TVS sẽ tham gia thị trường Việt Nam với 5 mẫu xe thuộc các phân khúc: tay ga, xe số, giá bán từ 26-36 triệu đồng. Các mẫu xe này đều được nhập khẩu từ Indonesia. Đặc biệt, nếu thị trường tiêu thụ tốt, TVS cho biết sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Được biết, TVS là một thương hiệu xa lạ tại Việt Nam dù xe Ấn Độ đã xâm nhập Việt Nam từ hơn 5 năm trước. Ở quốc gia Nam Á, TVS là thương hiệu lớn thứ ba về thị phần sau Hero và Honda. Sản lượng sản xuất hàng năm của TVS khoảng 4 triệu chiếc, bao gồm đa chủng loại như xe ga, xe máy cỡ nhỏ dưới 100 phân khối (moped), môtô, xe ba bánh. Khoảng 75% doanh số của TVS tiêu thụ ở Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, còn lại là xuất khẩu.

Do đó, hãng xe máy lớn thứ 4 thế giới tự tin công ty sẽ không mất nhiều thời gian để cạnh tranh và có thị phần lớn tại Việt Nam. TVS cho rằng Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Việc mở rộng và lớn mạnh của cơ sở hạ tầng giao thông cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ vận chuyển là những động lực chính cho các hãng xe máy.

Thị trường bão hoà, Honda chiếm hơn 80%

Tuy nhiên, thị trường xe máy Việt Nam hiện nay đã có dấu hiệu bão hòa khi lượng xe tiêu thụ hàng quý đều sụt giảm. Thậm chí xu hướng người tiêu dùng dịch chuyển sang những mẫu xe điện vừa tiết kiệm chi phí mua nhiên liệu vừa bảo vệ môi trường.

Báo cáo mới nhất từ McD cho biết, doanh số bán xe máy tại thị trường Việt Nam ngày càng giảm sâu. Trong tháng 7/2023, doanh số xe máy toàn thị trường chỉ đạt 176.729 chiếc, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm theo tháng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua.

Thị trường xe máy Việt Nam lớn thứ 4 thế giới, nhưng từ đầu năm 2023, doanh số liên tục suy giảm đến 2 con số. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, các hãng xe bán được hơn 1,3 triệu chiếc, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, hai ông lớn Honda và Yamaha trên thị trường xe máy Việt Nam cũng lần lượt giảm doanh số là 9,2% và 32,9%.

Dù doanh số vẫn thuộc hàng Top thế giới song thị phần hiện chủ yếu nắm giữ bởi Honda (khoảng từ 80%). Phần còn lại là cạnh tranh của nhiều hãng như Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM... Vì thế, việc chen chân vào thị trường đã được định hình từ lâu như Việt Nam không phải là chuyện dễ với một thương hiệu mới như TVS.

Vì vậy, nếu hãng xe máy Ấn Độ chỉ đưa vào thị trường Việt Nam những mẫu xe số, xe tay ga với mức giá có rẻ hơn không nhiều thì rất khó cạnh tranh với những thương hiệu xe máy cùng mức giá, chứ chưa nói đến chuyện cạnh tranh lại Honda hay Yamaha.

Hiện nay, các mẫu xe của Honda, Yamaha có giá cả hợp lý, đa dạng thiết kế, dễ điều khiển, chi phí vận hành thấp, có hệ thống sửa chữa, bảo dưỡng phủ rộng. Nên, thời điểm này theo giới trong ngành đánh giá thực sự rất khó để hãng xe máy mới vào Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận, chứ chưa nói đến chuyện cạnh tranh lại những hãng xe máy khác.

Sẽ tồn tại và cạnh tranh thế nào?

Ông J Thangarajan, chủ tịch TVS Motor cũng thừa nhận thị trường xe máy Việt có những đối thủ mạnh như Honda, Yamaha nắm giữ cùng thói quen mua sắm hình thành từ lâu. "Nhưng người Việt cũng cởi mở với cái mới, nhất là các sản phẩm chất lượng kèm giá cả phải chăng" , ông nói.

Theo ông J Thangarajan, đây là thời điểm phù hợp để hãng tham gia thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng thêm lựa chọn sản phẩm có nhiều tính năng với giá phù hợp. Khi, thị trường xe máy Việt Nam những năm qua, dù không có mức tăng trưởng cao, nhưng vẫn duy trì lượng tiêu thụ 2,5-3 triệu chiếc/năm.

Được biết, đối tác phân phối của TVS là Minh Long, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe nhập với mạng lưới showroom chủ yếu ở phía Nam. Cũng vì lý do này, xe TVS lấy khu vực này làm điểm phát triển chính, với mục tiêu có khoảng 300 đại lý trong vòng 6 tháng tới. Con số của hai hãng có thị phần lớn nhất thị trường xe máy tại Việt Nam hiện nay, như Honda là gần 800 đại lý, Yamaha hơn 500 đại lý.

Dù lạc quan về triển vọng bán hàng của hãng, nhưng đại diện TVS không tiết lộ mục tiêu doanh số tại Việt Nam. Hãng có nhà máy ở Indonesia để phục vụ xuất khẩu đi các nước trong khu vực. Việc lắp ráp tại Việt Nam cũng được tính đến nhưng là câu chuyện của tương lai, khi doanh số khả quan.

Cạnh tranh với các thương hiệu Nhật Bản, Đài Loan, TVS chọn cách tiếp cận khách hàng bằng lợi thế về giá. Ghi nhận, 4 sản phẩm hãng bán ra đều thuộc hàng rẻ nhất phân khúc hoặc tự định ra một phân khúc mới. Ví dụ chiếc TVS Dazz 110 với kiểu dáng như chiếc Honda Beat giá chỉ 25,9 triệu đồng, rẻ nhất trong số các mẫu xe ga ở Việt Nam (không tính xe 50 phân khối). Mẫu Beat không được phân phối chính hãng, giá nhập tư nhân khoảng 25-30 triệu đồng.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên