Hành củ là vàng mới: Sự thiếu hụt đang khiến thế giới khóc như thế nào
Trên khắp thế giới, người dân buộc phải loại bỏ hành củ khỏi các món ăn vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến cho giá cả tăng chóng mặt. Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan nằm trong số các quốc gia hạn chế xuất khẩu hành củ. Ở Philippines, hành củ bị buôn lậu.
- 11-03-2023Thứ ‘vàng lạ’ mang lại sự giàu có cho vương quốc Qatar trước cả dầu mỏ, vừa đắt lại hiếm có khó tìm
- 10-03-2023Vượt Trung Quốc, quốc gia châu Á này trở thành 'mỏ vàng mới' của tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới
- 09-03-2023Không bỏ vốn vẫn có hàng bán, đây là cách cô gái kiếm được vài chục triệu đồng bằng một ‘mỏ vàng’ mà ai cũng có
Philippines - nơi buôn lậu hành củ
Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), ở Philippines, hành củ đắt hơn thịt. Cuộc khủng hoảng hành củ đã diễn ra trong nhiều tháng, giá hành củ cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới kể từ tháng 9 năm ngoái, và đã tăng gấp 4 lần trong 4 tháng qua.
Theo hãng tin Reuters, giá bán hành đỏ - vốn là thành phần chính trong hầu hết các món ăn của người dân Philippines - đã tăng từ khoảng 70 peso (hơn 30.000 đồng)/kg vào tháng 4/2022 lên tới 700 peso (hơn 300.000 đồng)/kg vào tháng 12/2022.
Đến giữa tháng 1/2023, giá giảm xuống một chút. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, hành củ có giá 550 peso (237.000 đồng)/kg. Điều này làm cho hành củ đắt hơn gần 3 lần so với thịt gà và đắt hơn 25% so với thịt bò ở các chợ ở Philippines.
Philippines tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành mỗi tháng, thuộc loại nhiều nhất châu Á. Ảnh: AFP
Tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt sau khi vụ mùa hành củ trị giá hàng tỷ peso (hàng trăm tỷ đồng) tại Philippines bị ảnh hưởng bởi một loạt các cơn bão vào năm 2022. Thiên tai kết hợp với các cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu đã đẩy tỷ lệ lạm phát của nước này lên 8,1% vào tháng 12/2022, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.
Theo truyền thông địa phương, cũng có thể có doanh nghiệp nào đó đang tích trữ hành củ, khiến cho giá cả tăng vọt. Và hiện tại chính phủ Philippines đã ra lệnh điều tra về việc lũng đoạn giá hành củ.
Theo thông tin trên kênh truyền hình France24, tình trạng thiếu hụt hành củ đã dẫn đến tình trạng buôn lậu gia tăng. Vào tháng 12/2022, các nhà chức trách Philippines đã phát hiện 50.000 kg được cất giấu trong các sản phẩm bánh ngọt và bánh mì nhập khẩu. Vào ngày 22 và 23/1/2023, các nhân viên hải quan đã thu giữ số hành đỏ trị giá gần 9,5 triệu peso tại cảng Zamboanga (Philippines).
Sau các cuộc biểu tình, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu 21.060 tấn hành củ vào cuối tháng 1.
Rex Estoperez - phó phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Philippines – cho biết, đây chỉ là giải pháp "tạm thời", không hề hoàn hảo.
Danilo Fausto - Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Philippines – cho biết, việc nhập khẩu hành sẽ ảnh hưởng đến những người trồng hành trong nước khi họ chuẩn bị thu hoạch, thường bắt đầu vào tháng 2 và kéo dài đến tháng 4.
Theo trang tin Firstpost, Philippines tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành mỗi tháng, thuộc loại nhiều nhất châu Á. Nhưng hiện tại, tình trạng thiếu hụt và giá cả đắt đỏ đang ảnh hưởng đến người dân nước này, buộc một số người phải thay đổi thói quen ăn uống của họ.
Lalaine Basa - người điều hành một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Manila (Philippines) nói với phóng viên hãng tin Bloomberg rằng, cô dự định mua 1 kg hành củ để làm chả giò, nhưng cô đã buộc phải thay đổi công thức nấu ăn của mình khi chỉ sử dụng một nửa số hành.
Ely Cundangan - một quản lý nhà hàng khác, người đã từ chối cắt giảm sử dụng hành củ trong món tủy bò đặc trưng của mình - nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng, lợi nhuận đã bị ảnh hưởng. "Nguyên liệu của chúng tôi trở nên đắt đỏ đến mức chúng tôi gần như chẳng kiếm được đồng nào", người đàn ông 76 tuổi nói.
Sương giá đã hủy hoại rất nhiều ruộng hành ở Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Ảnh: AFP
Cấm xuất khẩu hành củ
Trang tin Firstpost nhận định, mặc dù Philippines có thể là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng hành củ, nhưng không đơn độc. Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Morrocco... cũng nằm trong số các quốc gia gặp vấn đề về hành củ.
Nhu cầu về hành củ trên thị trường toàn cầu đã tăng lên do sản lượng thu hoạch thấp ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và hạn hán. Năm ngoái, một số khu vực của châu Âu đã trải qua hạn hán nghiêm trọng và Hà Lan - nước xuất khẩu hành lớn nhất thế giới - đã bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến việc tăng giá hành củ tại Hà Lan. Theo thống kê trên nền tảng phân tích thông tin nông nghiệp East Fruit, giai đoạn cuối tháng 1 - đầu tháng 2, giá hành củ bán buôn đạt mức cao kỷ lục 0,7 USD (16.500 đồng)/kg.
Thời tiết đóng một vai trò lớn. Sương giá đã hủy hoại rất nhiều ruộng hành ở Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Giờ đây, các nước này đã cấm xuất khẩu hành do lo ngại thị trường nội địa thiếu hụt.
Cũng vì lo ngại thiếu hụt, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng một số hoạt động xuất khẩu hành củ. Giá hành củ cũng đang tăng chóng mặt ở đất nước này, nơi vừa phải đối phó với thảm họa động đất chết người.
Chiến sự và thiên tai
Hãng tin BBC đưa tin, ở Morrocco, sản lượng hành củ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, và các cơn bão khiến cho nhiều chuyến phà bị chậm, hủy. Nước này cũng đã cấm xuất khẩu hành củ, cà chua và khoai tây sang Tây Phi vào đầu tháng này trong nỗ lực đảm bảo việc xuất khẩu sang châu Âu.
Theo hãng tin Bloomberg, lũ lụt ở Pakistan đã phá hủy phần lớn vụ mùa hành củ và quốc gia chuyên xuất khẩu hành củ này buộc phải nhập khẩu từ Iran, Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc trồng hành củ ở Ukraine cũng bị ảnh hưởng do xung đột với Nga, khiến Ukraine phải nhập khẩu hành củ từ Ba Lan, Romania, Moldova, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chiến sự, Ukraine thường xuyên xuất khẩu hành sang những quốc gia này và việc này đã làm rung chuyển thị trường.
Thể thao văn hóa