MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạnh nhân rất ngon, nhưng ăn nhầm phải loại này chẳng khác nào tự nuốt xyanua, ăn 7-10 hạt cũng đủ gây chết người

12-01-2024 - 10:49 AM | Sống

Hạnh nhân bao gồm 2 loại hạt: hạnh nhân ngọt và hạnh nhân đắng. Hạt hạnh nhân ngọt rất bổ dưỡng còn hạt hạnh nhân đắng có chứa độc tố gây chết người.

Hạnh nhân có vị ngọt thơm tự nhiên khiến chúng trở thành một món vặt ăn tốt cho sức khỏe. Mỗi ngày, chỉ cần ăn một nắm nhỏ hạnh nhân cũng có thể cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho cơ thể, giúp bạn tràn đầy năng lượng và còn giúp trí não của bạn trở nên sắc bén hơn.

Nhưng chắc hẳn bạn đang thắc mắc làm sao chúng có thể đắng được? Hạnh nhân đắng khác với hạnh nhân ngọt mà bạn thích ăn. Chúng từng được coi là thực phẩm có đặc tính chữa bệnh vượt trội so với hạnh nhân ngọt thông thường. Nhưng sau nhiều chứng minh khoa học cho thấy, hàm lượng xyanua trong hạnh nhân đắng rất cao nên chúng bị cấm ở một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.

Liều thuốc độc từ hạnh nhân đắng

Hạnh nhân có thể ngọt hoặc đắng tùy thuộc vào cây mà chúng được tạo ra. Hạnh nhân ngọt phổ biến hơn, chúng được ăn sống, ngâm hoặc nướng như đồ ăn nhẹ và được sử dụng làm nguyên liệu trong nấu ăn. Đặc biệt, sữa hạnh nhân ngọt và bơ hạnh nhân là những lựa chọn thay thế tuyệt vời cho người ăn chay và những người không dung nạp lactose.

Hạnh nhân rất ngon, nhưng ăn nhầm phải loại này chẳng khác nào tự nuốt xyanua, ăn 7-10 hạt cũng đủ gây chết người - Ảnh 1.

Hạnh nhân đắng giống như liều thuốc độc nếu ăn quá nhiều

Cả hạnh nhân đắng và hạnh nhân ngọt đều có vỏ màu nâu, bên trong màu trắng. Tuy nhiên, những quả đắng có kích thước nhỏ hơn một chút, nhọn hơn và có vị đắng đặc trưng. Điều này là do chúng có lượng axit hydrocyanic (một chất lỏng của hydro xyanua trong nước) cao gấp 40 lần so với hạnh nhân ngọt. Ngoài ra, hạnh nhân đắng còn chứa glycoside amygdalin – một hợp chất hóa học có khả năng biến đổi thành xyanua khi được tiêu thụ vào cơ thể.

Chiết xuất hạnh nhân đắng có mùi thơm tự nhiên, ngọt ngào, giống như quả anh đào. Do đó nó được sử dụng trong điều chế mỹ phẩm, nước hoa, nước thơm, xà phòng và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác. Tinh dầu hạnh nhân đắng có đặc tính chữa bệnh nhưng phải hết sức thận trọng khi sử dụng để ngăn ngừa ngộ độc xyanua.

Thông tin từ Tiến sĩ Carrie Lam, Huấn luyện viên dinh dưỡng, trưởng khoa Y học Gia đình tại Đại học Y tế Loma Linda, độc tính xyanua này đủ mạnh để giết chết một người. Chỉ cần ăn 7 đến 10 quả hạnh nhân đắng đủ độc hại để gây tử vong, đó là lý do tại sao chúng bị nghiêm cấm ở một số nơi trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, tiếp xúc với một lượng nhỏ xyanua có thể gây ra các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, huyết áp thấp, đau đầu và nhịp tim nhanh. Liều cao hơn có thể dẫn đến mất ý thức, co giật, huyết áp thấp, suy hô hấp và tử vong.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Clinical Toxicology" năm 2011 cho thấy, thử nghiệm trên một nhóm 10 người trưởng thành ăn hạnh nhân đắng đã dẫn đến việc sản xuất xyanua trong cơ thể, khiến họ đều gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu và lú lẫn. Nghiên cứu kết luận rằng "việc ăn phải một lượng đáng kể hạnh nhân đắng có thể gây độc và có khả năng gây tử vong".

Hạnh nhân rất ngon, nhưng ăn nhầm phải loại này chẳng khác nào tự nuốt xyanua, ăn 7-10 hạt cũng đủ gây chết người - Ảnh 2.

Xyanua từ hạnh nhân đắng có thể gây chết người

Có một nghiên cứu tương tự khác được công bố trên tạp chí "Tạp chí Khoa học Thực phẩm" năm 2009 đã phân tích hàm lượng xyanua trong các loại hạnh nhân đắng khác nhau từ nhiều quốc gia khác nhau. Nghiên cứu cho thấy hạnh nhân đắng có chứa xyanua với số lượng khác nhau và việc tiêu thụ chúng thực sự có hại.

5 loại hạt cực độc cần tránh

Ngoài hạt hạnh nhân đắng, dưới đây là 5 loại hạt cũng vô cùng độc hại, có thể gây tử vong mà bạn nên tránh.

Hạt cherry

Theo nghiên cứu, hạt cherry lọt top những thực phẩm độc gây chết người nếu ăn không đúng cách. Trong hạt cherry có chứa cyanogenic, qua quá trình nhai sẽ được chuyển thành amygdalin – dấu vết của chất độc xyanua. Đây là một trong những chất độc gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp và dẫn đến tử vong nếu ăn phải.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng khi ăn quả cherry, bạn tuyệt đối không được nhai hay nuốt hạt. Nếu ăn phải, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng ngộ độc, bao gồm:

- Ngộ độc nhẹ: Đau đầu, nóng lưỡi, đau bụng, chóng mặt, kích thích và thở nhanh sâu.

- Ngộ độc trung bình: Hôn mê, rối loạn ý thức, tụt huyết áp, ngừng thở hoặc co giật.

- Ngộ độc nặng: Đau tức ngực, mạch chậm, rối loạn huyết động, ngừng tuần hoàn hoặc tử vong sau khi ăn.

Hạt táo

Hạt táo là một thực phẩm gây ngộ độc khác mà bạn cần thận trọng khi ăn. Trong hạt táo có chứa chất amygdalin, khiến giải phóng ra chất độc xyanua sau khi tiếp xúc với dạ dày. Nếu bạn tiêu thụ một ít xyanua sẽ gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, co giật, chóng mặt, buồn nôn hoặc bất tỉnh. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức hàm lượng xyanua cho phép sẽ khiến bạn bị tử vong.

Hạnh nhân rất ngon, nhưng ăn nhầm phải loại này chẳng khác nào tự nuốt xyanua, ăn 7-10 hạt cũng đủ gây chết người - Ảnh 3.

Nếu nhai và nuốt trên 20 hạt táo có thể khiến cơ thể bị ngộ độc xyanua

May mắn thay, hạt táo có một lớp phủ bảo vệ ngăn xyanua xâm nhập vào hệ thống cơ thể. Do đó, nếu bạn vô tình ăn phải một vài hạt táo thì sẽ không bị ngộ độc. Tuy nhiên, nếu nhai nuốt liên tục khoảng 20 – 25 hạt táo có thể khiến bạn bị ngộ độc chất xyanua. Khi không được xử lý kịp thời, tình trạng ngộ độc này có thể ảnh hưởng đến não bộ, hệ tuần hoàn và dẫn đến tử vong.

Nhục đậu khấu

Nhục đậu khấu là một vị thuốc quý trong đông y, có nguồn gốc từ quần đảo Maluku của Indonesia và hiện được trồng rộng rãi ở các nước như Ấn Độ, Campuchia và Malaysia. Ở Việt Nam, nhục đậu khấu được biết đến phổ biến ở các tỉnh miền Nam, thường được sử dụng nhiều trong các món nướng nhằm giúp gia tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn.

Tuy nhiên, hạt nhục đậu khấu có chứa nhiều tinh dầu dễ bay hơi, với thành phần chủ đạo là terpen, axit myristic và dầu béo. Nếu sử dụng quá liều (khoảng 1 thìa cà phê hạt nhục đậu khấu) có thể khiến bạn mắc phải các vấn đề về hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Trong trường hợp dùng quá 2 muỗng cà phê hạt nhục đậu khấu có thể gây ngộ độc, dẫn đến các triệu chứng như buồn ngủ, xuất hiện ảo giác, chóng mặt, co giật và mất ý thức.

Ngoài ra, nhục đậu khấu cũng không nên dùng cho người bị tiêu chảy hoặc mắc bệnh lỵ do thấp nhiệt. Tốt nhất, bạn nên dùng một lượng vừa đủ nhục đậu khấu trong các bài thuốc cũng như chế biến món ăn hàng ngày để tránh bị ngộ độc.

Hạt điều sống

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn chỉ nên tiêu thụ các loại hạt điều đã được rang ở nhiệt độ cao thay vì ăn hạt điều sống để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Hạt điều thường có chứa chất độc urushiol trong vỏ - một loại hóa chất thường tìm thấy ở cây thường xuân. Khi vô tình tiêu thụ chất độc này, cơ thể bạn sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ cho đến nặng, bao gồm tiêu chảy, dị ứng, ngứa da và tử vong.

Quả cơm cháy

Cơm cháy là một loại quả được trồng phổ biến ở Châu Âu, thường được dùng dưới dạng xi – rô hoặc chất bổ sung nhằm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và điều trị một số triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh hoặc táo bón. Quả cơm cháy có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe vì chúng có giàu canxi, chất xơ, kali, sắt và các vitamin A, C và B6.

Tuy nhiên, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên rằng loại quả này thuộc danh sách những thực phẩm gây ngộ độc cần thận trọng khi ăn. Thực tế, việc ăn quả mọng, lá hoặc vỏ cây cơm cháy chưa chín có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc. Điều này là do trong quả cơm cháy xanh có chứa lectin và xyanua – 2 chất hóa học gây ra các phản ứng như buồn nôn, nôn ói hoặc tiêu chảy. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn quả cơm cháy chín hẳn để tránh bị ngộ độc đáng tiếc.

Theo webmd, Dr.Lamcoaching, Times of India

PV

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên